Bình Đại hiện có gần 1.100 tàu khai thác, đánh bắt thủy sản với tổng công suất trên 343.000 CV; trong đó có hơn 500 tàu đánh bắt xa bờ, tổng công suất trên 327.000 CV.
Năm 2013, đoàn tàu đánh bắt của huyện đã khai thác được hơn 54 ngàn tấn thủy sản các loại. Từ sau Lễ hội Nghinh Ông (tháng 6 âm lịch), dân làm biển Bình Đại vào mùa đánh bắt cá tôm và nghề đóng tàu đánh bắt xa bờ phát triển.
Tàu đánh bắt xa bờ ở xã Bình Thắng. Ảnh: Đ.C
Địa bàn huyện Bình Đại có 5 cơ sở đóng tàu lớn: 3 ở xã Bình Thắng, 1 ở xã Bình Thới và 1 ở Thị trấn. Trong số này, cơ sở đóng tàu của ông Đặng Văn Kho, thường gọi là Ba Kho (84 tuổi) ở ấp 5, xã Bình Thắng tập trung khá đông khách hàng. Ông Kho bắt đầu đóng tàu từ năm 1971. Ban đầu ông chỉ đóng tàu nhà, sau đó nhiều người thấy tay nghề ông “có lý” nên tìm tới đặt hàng ngày càng nhiều hơn và ông trở thành thợ đóng tàu chuyên nghiệp. Hầu như quanh năm, trại đóng tàu của ông không hề nghỉ, chỉ trừ những ngày Tết. Ông Kho có 9 người con, 4 người con trai của ông đều nối nghiệp cha: làm nghề biển, đóng tàu. Ông Kho chia sẻ: “Trước khi đóng tàu, tôi làm nghề đóng đáy hàng khơi. Tôi còn nhớ, năm 1971, tôi đóng chiếc tàu đầu tiên lấy tên là Dân Hòa, trọng tải chỉ có 35 tấn, chạy máy Yanmar 3 đầu xanh. Bấy giờ chỉ có tàu của tôi với tàu của ông Mười Công là lớn nhất Bình Thắng.”
Anh Trương Vô Kỵ, một thợ chính đã theo ông Kho nhiều năm bộc bạch: Trong lúc đóng tàu, người thợ phải cẩn thận từng chi tiết một, vì mỗi một bộ phận trên tàu đều quan trọng, quyết định cho chất lượng, độ bền của con tàu. Sau khi chủ tàu chọn loại cây thích hợp (sao, căm xe, sến, dẻ, săn đá…), thợ mộc sẽ lần lượt thi công các khâu: định vị lô mũi (lái), làm khung tàu, đóng áp vô (ra), thả then, phân khoang, làm ca-bin, đóng be, làm boong (nắp tàu), sảm trét (trét chai, sau này thì trét keo), làm mui tàu, sơn phết… Thời gian thi công hoàn chỉnh một vỏ tàu khoảng 4 đến 5 tháng. Sau khi tàu hạ thủy và chủ đã chọn động cơ thích hợp, thợ máy sẽ thực hiện việc lắp ráp… Quá trình đóng tàu, Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Bến Tre tiến hành nhiều đợt kiểm tra kỹ thuật của con tàu, từ lúc bắt đầu định vị lô tàu cho đến khi hạ thủy, chạy thử.
Ông Kho cho biết, để đóng một tàu trọng tải cỡ 120 tấn đánh bắt xa bờ (cây lô có chiều dài 8,2m, chiều dài xương sống tàu 27m) thì cần khoảng 208m3 gỗ, khoảng 4 tấn bù lon, đinh, khoảng 2.000 công (nhân công lao động). Máy được sử dụng là Komin 12 (tương đương 1.330 CV). Theo thời giá hiện tại, ngư dân muốn đóng một cặp tàu (cào đôi) với trọng tải như trên, thì số tiền phải đầu tư là 15 tỷ đồng. Thông thường, khách hàng đặt cọc trước cho chủ trại tàu 1/3 số tiền cây và phân nửa tiền thợ, khi sản phẩm hoàn tất, đẩy tàu hạ thủy là thời điểm khách hàng thanh toán tất cả khoản tiền còn lại cho chủ trại. Đối với một cặp tàu cào đôi, có 4 người đi trên chiếc tàu đực (làm nhiệm vụ phụ kéo một đầu lưới) gồm có: tài công (lái tàu), tài cải (thợ máy) và 2 bạn đi biển (nhân công có tay nghề); tàu cái (chở nước đá, nhiên liệu, sản phẩm khai thác được) thì cần 11 bạn đi biển, tài công và tài cải.
Hơn 40 năm làm nghề đóng tàu đánh bắt xa bờ, giờ đây, ông Ba Kho đã có nhiều thợ đàn em nối nghiệp mình: anh Kỵ, anh Trí, anh Thảnh… Niềm vui của thợ đóng tàu là hoàn thành những chiếc tàu chất lượng, chắc chắn cho ngư dân. Hơn thế nữa, niềm vui của họ càng được nhân lên gấp bội khi thân chủ của mình ra khơi đánh bắt được mùa, bội thu, lãi cao, góp phần làm giàu cho quê hương. Chia tay tôi, ông Ba Kho “bật mí”, sau Tết Giáp Ngọ này, ông nhận đóng 7 tàu đánh bắt xa bờ của thân chủ; họ là những người vừa trúng đậm trong những chuyến ra khơi cuối năm và họ mến mộ ông Kho ở chỗ “mát tay” nghề.