(TSVN) – Nuôi tôm công nghệ cao tại các huyện ven biển trong tỉnh Bến Tre đang được chú trọng, bước đầu đã đem lại hiệu quả tốt. Để mở rộng mô hình này, tỉnh sẽ chi 544 tỷ đồng đầu tư hạ tầng tại các vùng nuôi với diện tích hơn 4.000 ha.
Mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao được người dân Bến Tre đầu tư khá quy mô và ngày càng cải tiến hơn về khâu thiết kế kỹ thuật hạ tầng vùng nuôi. Một số doanh nghiệp, nhà đầu tư còn tận dụng hệ thống mái che của khu nuôi kết hợp đầu tư hệ thống điện mặt trời, góp phần chủ động nguồn điện và tiết kiệm chi phí trong sản xuất.
Nuôi tôm biển ứng dụng công nghệ cao tại Bến Tre tập trung nhiều ở các huyện Bình Đại, Thạnh Phú và Ba Tri. Ảnh: ST
Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bến Tre Đoàn Văn Đảnh cho biết, tỉnh đặt mục tiêu phát triển 4.000 ha nuôi tôm biển công nghệ cao tại các vùng sản xuất trọng điểm trên địa bàn tỉnh vào năm 2025. Trước đó, năm 2021, tỉnh đã xây dựng kế hoạch hỗ trợ và khuyến khích các hộ dân phát triển ít nhất 500 ha tôm biển công nghệ cao, và thực hiện tốt quy định quản lý hoạt động nuôi tôm biển thâm canh, bán thâm canh. Sau hơn 3 năm triển khai, Bến Tre đã phát triển được hơn 3.430 ha, đạt 85,76% kế hoạch; sản lượng tôm nuôi ước đạt 160.188 tấn.
Nhằm mở rộng diện tích nuôi tôm công nghệ cao, tỉnh luôn chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng vùng nuôi ở các địa phương ven biển, rà soát quy hoạch và xây dựng các vùng nuôi theo hướng công nghệ cao; đồng thời tập trung phát triển nhanh, mạnh đối với tôm sú, tôm chân trắng có thị trường tốt; nhân rộng và phát triển mô hình nuôi tôm theo công nghệ cao, nuôi an toàn sinh học, nuôi hai giai đoạn để nâng cao năng suất, sản lượng và phát triển bền vững.
Trước mắt, Bến Tre sẽ xây dựng hạ tầng vùng nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao tại thị trấn Tiệm Tôm và xã Bảo Thuận, huyện Ba Tri với diện tích hơn 27 ha, tổng mức đầu tư khoảng 164 tỷ đồng. Dự án góp phần đảm bảo hạ tầng giao thông, điện phục vụ sản xuất ổn định, bền vững cho vùng nuôi trồng thủy sản với diện tích khoảng 2.000 ha, trong đó có 500 ha được quy hoạch nuôi tôm theo mô hình công nghệ cao. Dự án cũng được kỳ vọng sẽ thu hút người dân, doanh nghiệp đầu tư phát triển nuôi trồng thủy sản, qua đó giúp cải thiện đời sống cho người dân trong vùng dự án.
Đến nay, dự án đã đầu tư xây dựng 6 tuyến đường giao thông phục vụ sản xuất có chiều dài khoảng 18,4 km đạt tiêu chuẩn đường giao thông nông thôn cấp A, đường cấp V, cấp VI đồng bằng và các công trình trên tuyến (1 cầu và 18 cống), xây dựng mới tuyến điện trung thế 3 pha dài 24,2 km. Hiện nay, tỉnh Bến Tre tiếp tục làm thủ tục đấu thầu xây dựng hạ tầng nuôi tôm công nghệ cao tại huyện Bình Đại. Bên cạnh đó, tỉnh Bến Tre cũng đề nghị Bộ NN&PTNT xem xét hỗ trợ đầu tư xây dựng dự án hạ tầng vùng nuôi tôm công nghệ cao huyện Thạnh Phú với chi phí khoảng 300 tỷ đồng; dự án sửa chữa, nâng cấp và mở rộng cảng cá Bình Đại để phục vụ tốt tầm nhìn hướng Đông của tỉnh.
Minh Khuê