Tình hình khô hạn và xâm nhập mặn đã gây thiệt hại khá lớn đối với các đối tượng thủy sản nuôi như: nghêu, sò huyết, cá tra, tôm biển…
Trong năm 2010, tổng giá trị thiệt hại do khô hạn và xâm nhập mặn trên các đối tượng thủy sản nuôi ước trên 72,7 tỷ đồng, trong đó thiệt hại đối với nghêu khoảng 65 tỷ đồng; cá tra 7,7 tỷ đồng; một số vùng nuôi tôm biển thuộc 3 huyện Bình Đại, Ba Tri và Thạnh Phú đã gặp rất nhiều khó khăn trong sản xuất, không thể thả giống nuôi được trong thời gian bắt đầu vụ chính do độ mặn quá cao, người nuôi phải chờ mưa xuống nên trễ vụ gây ảnh hưởng lớn đến quá trình sản xuất của người dân vùng ven biển.
Bơm nước ngọt để dự trữ trong thời gian xâm nhập mặn.
Bến Tre là một trong những tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu. Từ năm 2000 đến nay, xâm nhập mặn ngày càng sâu vào đất liền. Nguyên nhân do ảnh hưởng biến đổi khí hậu làm cho thủy triều biển Đông lên cao vào mùa khô. Trong năm 2010, độ mặn 4 phần ngàn xâm nhập cách các cửa sông trên 55 km, riêng sông Hàm Luông trên 60 km. Mặt khác, do hệ thống các tuyến đê bao ngăn mặn chưa được hoàn chỉnh nên nước mặn đã xâm nhập khắp các tuyến kênh nội đồng của tỉnh, độ mặn 1 phần ngàn hầu như xâm nhập toàn bộ tỉnh Bến Tre. Đến giữa tháng 3-2011, độ mặn 4 phần ngàn đã xâm nhập cách các cửa sông trên 45 km, riêng sông Hàm Luông trên 50 km, dự báo sẽ tiếp tục xâm nhập sâu vào đất liền và ảnh hưởng đến nghề nuôi thủy sản của tỉnh.
Lấy mẫu nước để kiểm tra các yếu tố môi trường.
Để chủ động ứng phó với tình trạng khô hạn và xâm nhập mặn, đảm bảo hoạt động nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh được ổn định mang lại hiệu quả cao, người nuôi thủy sản cần lưu ý một số nội dung sau:
1. Xây dựng kế hoạch và bố trí lịch thả giống phù hợp cho từng đối tượng nuôi, không nên thả giống vào thời điểm khô hạn và xâm nhập mặn.
2. Thường xuyên kiểm tra sự biến động của độ mặn để có kế hoạch lấy nước vào ao nuôi và ao chứa lắng dự trữ, độ mặn phải phù hợp với từng đối tượng nuôi, đảm bảo kế hoạch sản xuất đạt hiệu quả cao.
3. Thường xuyên theo dõi, quản lý ao nuôi chặt chẽ, đặc biệt là quản lý thức ăn, tăng cường sử dụng vi sinh nhằm cải thiện chất lượng nước, góp phần hạn chế việc thay nước thường xuyên.
4. Trong thời gian khô hạn và xâm nhập mặn, cần tăng cường theo dõi tình hình thời tiết; tình hình diễn biến môi trường nước như: nhiệt độ, độ mặn, pH; tình hình phát triển của thủy sản nuôi… để chủ động ứng phó khi độ mặn tăng cao. Một số khuyến cáo cho từng đối tượng cụ thể như sau:
– Đối với cá tra: Tiến hành thu hoạch hoặc di chuyển cá đến vùng nuôi an toàn khi độ mặn trên 9 phần ngàn và kéo dài trên 5 ngày.
– Đối với tôm biển (tôm sú và tôm chân trắng): Chủ động lấy nước vào ao nuôi và ao chứa lắng khi độ mặn thấp hơn 25 phần ngàn.
– Đối với nhuyễn thể: San thưa đối với những vùng có giống mật độ dày, di dời nghêu, sò huyết đến vùng nuôi an toàn hoặc chủ động khai thác nghêu, sò đạt kích cỡ thương phẩm.
– Đối với cá lồng bè nước ngọt: Chú ý theo dõi chặt chẽ diễn biến của độ mặn trên các tuyến sông để có kế hoạch chủ động di dời lồng bè đến vùng nuôi an toàn, hoặc chuyển các đối tượng nuôi vào hệ thống các ao đất khi độ mặn tại vùng nuôi cao hơn 3 phần ngàn. Trường hợp các đối tượng nuôi có thể thu hoạch được thì chủ động tiến hành thu hoạch ngay khi độ mặn tăng cao.
Lê Văn Trung