Bến Tre: Kết quả thí điểm mô hình đồng quản lý xã Thạnh Phong

Chưa có đánh giá về bài viết

Xã Thạnh Phong nằm phía Đông huyện Thạnh Phú, có 9km bờ biển. Diện tích tự nhiên 6411,15ha, trong đó đất nông nghiệp là 4676,49ha, đất lâm nghiệp 1367,89ha, đất nuôi trồng thủy sản là 2936,89ha. Xã được hưởng lợi nhiều nhất từ nguồn lợi thiên nhiên ưu đãi, đặc biệt là nghêu, sò và các loài nhuyễn thể hai mảnh vỏ khác.

Theo số liệu điều tra hàng năm, số hộ tham gia vào hoạt động thủy sản luôn gia tăng vì lợi nhuận từ nghề này đem lại thu nhập cao và nhanh chóng. Nguồn lao động dồi dào, chịu khó làm ăn và năng động trong làm kinh tế vẫn luôn là thế mạnh xã hội của nghề cá của vùng. Toàn xã có 5 ấp, ấp Đại Thôn và ấp Thạnh Phước với mô hình kinh tế gồm nuôi tôm sú và trồng hoa màu, cây ăn trái (xoài). Ấp Thạnh Hòa ngoài nuôi tôm và trồng xoài còn có hải đội đánh bắt hải sản ven bờ. Ấp Thạnh Lộc và ấp Thạnh Lợi, bên cạnh mô hình tôm và màu còn có hợp tác xã (HTX) nghêu Thạnh Lộc có 426 xã viên (hộ), HTX Đoàn Kết có 329 xã viên (hộ), trong khai thác có tổ hải đội với 45 tàu. Toàn xã có 53 tàu, chiếm 12,6% tàu thuyền toàn huyện, trong đó tàu khai thác ven bờ 50 chiếc, có 3 tàu công suất từ 90CV trở lên, nghề khai thác của xã tập trung chủ yếu là các nghề đáy bè (lưới mùng), đáy sông cầu, cào đơn. Đội tàu đánh bắt thủy hải sản của xã gồm 45 tàu chủ yếu đánh bắt ven bờ (1 hải đội). Hải đội đánh bắt vùng cửa sông Hàm Luông hoặc cửa sông Cổ Chiên hoặc ra xa khoảng 40 hải lý. Sản lượng đánh bắt ước khoảng 600 tấn/năm.

 

Đội tàu đánh bắt.

Theo kết quả khảo sát tại xã Thạnh Phong, tình hình sử dụng ngư cụ cấm trong khai thác và đánh bắt đã giảm đáng kể. Trên thực tế, tình hình này vẫn còn, nhất là các loại hình đóng đáy mùng thu thức ăn phục vụ hình thức nuôi tôm quảng canh cải tiến vẫn còn diễn ra một số khu vực trên sông. Theo ghi nhận của người dân, cơ quan quản lý đã ra quân triệt để nhưng vẫn chưa cải thiện nhiều. Diện tích nuôi trồng thủy sản chủ yếu là hình thức quảng canh, quảng canh cải tiến 2.468 ha, sản lượng ước khoảng 1.200 tấn (số liệu thống kê của xã năm 2008). Hình thức nuôi tôm công nghiệp 120ha, do dịch bệnh chưa kiểm soát triệt để nên sản lượng giảm so với những năm trước, trung bình đạt 3,5 tấn/ha mặt nước.

Gần đây, nghề nuôi sò đem lại hiệu quả kinh tế cao, diện tích nuôi thống kê được khoảng 50ha.

Ngoài nuôi thủy sản và đánh bắt thủy hải sản, trong xã còn có các nghề phụ giúp giải quyết lao động nữ và tăng thu nhập cho người dân, như chằm lá dừa, se chỉ xơ dừa, gia công lục bình; gia công kết bông vải. Xây dựng mô hình đồng quản lý có lợi thế là có thể huy động sức mạnh tổng hợp của cộng đồng người dân, chính quyền và các bên liên quan tham gia quản lý khai thác sử dụng và bảo vệ môi trường, tiềm năng nguồn lợi nói chung, tiềm năng nguồn lợi thủy sản nói riêng tại những vùng nước xác định. Tuy nhiên, đây là một việc làm khó, phức tạp, đòi hỏi có sự tham gia, đồng thuận của cộng đồng, chính quyền các cấp và các tổ chức liên quan, đồng thời cần nguồn lực đầu tư và quá trình thực hiện trong thời gian dài. Từ năm 2008, các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức về đồng quản lý và tiến hành đánh giá năng lực, mức độ đồng thuận của cộng đồng và các bên liên quan đã được thực hiện. Trong các năm 2009, 2010, các hoạt động trợ giúp kỹ thuật, hỗ trợ hậu cần đã được tổ chức nhằm từng bước nâng cao năng lực cộng đồng, trọng tâm là hoàn thiện hệ thống cơ sở pháp lý, hỗ trợ tuyên truyền hoàn thiện bộ quy chế nội bộ, hỗ trợ vận hành trong thực tế; đã có 6 dự thảo quy chế, quy định nội bộ của cộng đồng được xây dựng.

Tổ chức đồng quản lý Thạnh Phong mới được thành lập, còn non yếu về nhiều mặt, do vậy rất cần được tiếp tục hỗ trợ. Các cán bộ đã hết sức nỗ lực, khắc phục khó khăn để tiếp cận nhiều với cộng đồng xã Thạnh Phong, lắng nghe ý kiến và nguyện vọng của người dân để bổ sung, điều chỉnh các quy định của Tổ chức đồng quản lý ngày một chặt chẽ, hiệu quả hơn.

TH

Báo Đồng Khởi

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!