(TSVN) – Thời tiết hiện nay ở Bến Tre đang trong giai đoạn chuyển mùa, từ mùa mưa sang mùa khô, khiến nhiều dịch bệnh trên tôm nuôi bùng phát. Trước tình hình đó, ngành nông nghiệp tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp ứng phó quyết liệt.
Ước tính, từ đầu năm đến nay, dịch bệnh đã gây thiệt hại 696,26 ha diện tích nuôi tôm của người dân; trong đó, tôm sú 8,51 ha, tôm thẻ chân trắng 687,75 ha. Dịch bệnh xảy ra trên tất cả vùng nuôi tôm của tỉnh, trong đó tập trung tại các huyện Bình Đại, Ba Tri, Thạnh Phú. Ngoài ra, diện tích các loại nhuyễn thể bị thiệt hại do nhiễm bệnh chiếm hơn 400 ha.
Dịch bệnh tôm có thể bùng phát nếu người nuôi không xử lý môi trường kịp thời. Ảnh: ST
Ngay khi nắm bắt tình hình, UBND tỉnh Bến Tre đã chỉ đạo Sở NN&PTNT, các địa phương theo dõi sát diễn biến dịch bệnh, phát hiện và xử lý sớm ổ dịch không để lây lan trên diện rộng. Tỉnh cũng hỗ trợ 67,5 tấn hóa chất chlorine cho 334 hộ xử lý môi trường ao nuôi. Bên cạnh đó, tỉnh Bến Tre đã có tờ trình gửi Bộ NN&PTNT xem xét, hỗ trợ cho tỉnh 30 tấn hóa chất chlorine từ nguồn dự trữ quốc gia để phòng, chống dịch bệnh tôm nước lợ.
Chi cục Thủy sản tỉnh Bến Tre khuyến cáo các hộ nuôi tôm nước lợ tạm ngưng thả con giống tại các vùng không đủ điều kiện, thời gian này nên tập trung vệ sinh, cải tạo ao. Đối với những ao đang nuôi, người dân nên hạn chế thay nước, nếu cần thiết cấp nước mới cần xử lý bằng Chlorine; duy trì độ sâu nước tối thiểu 1,5 mét, tăng cường quạt nước tránh phân tầng và định kỳ sử dụng vôi đá xay xử lý lúc gần sáng để ổn định môi trường.
Được biết, hàng năm diện tích nuôi tôm nước lợ của Bến Tre là hơn 33.000 ha. Trong đó, diện tích nuôi tôm nước lợ ứng dụng công nghệ cao chiếm gần 3.000 ha. Do vậy vấn đề cấp thiết cần xử lý sớm hiện nay là phòng ngừa dịch bệnh, bảo vệ ao tôm.
Minh Khuê