(TSVN) – Hiện nay, người nuôi tôm Bến Tre đang gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, do vậy, Sở NN&PTNT tỉnh Bến Tre kiến nghị Bộ NN&PTNT xem xét tiếp tục hỗ trợ nguồn vốn để đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ cho NTTS, đặc biệt nuôi tôm nước lợ để đẩy nhanh tiến độ sản xuất trong năm 2021.
Năm 2021 được đánh giá là năm tiếp tục khó khăn đối với phát triển nuôi thủy sản của tỉnh Bến Tre do nhiều nguyên nhân. Trong đó, có thể kể đến ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, giá cả thị trường không ổn định, biến đổi khí hậu, nắng nóng kéo dài, dịch bệnh trong nuôi trồng ngày càng phức tạp…
Theo Sở NN&PTNT tỉnh Bến Tre, trong 5 tháng đầu năm 2021, tổng diện tích thả giống tôm biển đến hết tháng 5 đạt 30.815 ha, đạt 85,6% so kế hoạch năm, tăng 8,9% so với cùng kỳ. Trong đó, diện tích nuôi tôm thâm canh 7.000 ha, nuôi công nghệ cao giai đoạn 1.400 ha, đạt 70% so kế hoạch năm, tăng 133% so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, giá tôm nguyên liệu những tháng đầu năm 2021 có tăng so với mọi năm, nên người dân tập trung thả giống khá nhiều. Với hình thức nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, nuôi 2, 3 giai đoạn đang phát triển rất tốt, người dân tập trung xuống giống, khả năng năm 2021 đạt 2.000 ha.
Tính đến tháng 5/2021, toàn tỉnh Bến Tre có 63 trại sản xuất, ương dưỡng giống tôm; bao gồm 7 cơ sở sản xuất và 56 cơ sở ương dưỡng giống. Lượng giống tôm nước lợ kiểm dịch xuất tỉnh đạt 828,633 triệu con, chủ yếu là TTCT. Lượng tôm biển giống nhập tỉnh kiểm soát được 382,165 triệu con.
Tuy nhiên, nghề nuôi tôm trên địa bàn tỉnh còn gặp một số khó khăn nhất định. Trong đó, diện tích nuôi TTCT chiếm trên 90% diện tích nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh nên nguồn giống chưa đáp ứng được yêu cầu sản xuất của người dân. Hạ tầng thủy lợi nhiều nơi chưa hoàn thiện, hệ thống kênh cấp, thoát nước chưa đảm bảo gây khó khăn cho hoạt động sản xuất và kiểm soát dịch bệnh. Đồng thời, còn thiếu vốn đầu tư cho nuôi tôm nước lợ, nhất là đối với loại hình nuôi tôm nước lợ công nghệ cao.
Hơn nữa, hiện nay, ở Bến Tre chưa có nhà máy chế biến tôm, chưa có doanh nghiệp lớn quan tâm liên kết đầu ra tôm nguyên liệu cũng như các chứng nhận, tiêu chuẩn sản xuất,… nên một số mô hình sản xuất theo VietGAP chưa gắn kết được với doanh nghiệp và thị trường tiêu thụ. Do vậy sản phẩm tiêu thụ có giá không cao hơn so với sản phẩm thường, chưa đủ thu hút người sản xuất, trong khi chi phí tư vấn, chứng nhận cao.
Nhằm để thúc đẩy nuôi tôm trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, Sở NN&PTNT tỉnh Bến Tre cho biết, địa phương sẽ tăng cường khuyến cáo người nuôi tôm chuẩn bị ao nuôi, thả giống khi có các điều kiện thuận lợi. Tăng cường quản lý vật tư đầu vào giúp cho người nuôi có con giống, thức ăn, thuốc thủy sản đảm bảo chất lượng phục vụ sản xuất. Địa phương sẽ đẩy mạnh triển khai Kế hoạch hành động phát triển ngành tôm đến năm 2025 của tỉnh và thực hiện đăng ký nuôi đối tượng thủy sản chủ lực (tôm sú, TTCT).
Ngoài ra, để tạo thuận lợi cho việc nuôi tôm, Sở NN&PTNT tỉnh Bến Tre kiến nghị Bộ NN&PTNT xem xét tiếp tục hỗ trợ nguồn vốn để đầu tư cơ sở hạ tầng nuôi thủy sản cho tỉnh. Ngoài ra, hiện nay người nuôi tôm đang gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 năm 2020 và tiếp tục diễn biến phức tạp về dịch bệnh, do đó địa phương kiến nghị Bộ NN&PTNT kiến nghị Chính Phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước có chính sách về vốn đối với các hộ nuôi thủy sản, đặc biệt nuôi tôm nước lợ để đẩy nhanh tiến độ sản xuất trong năm 2021.