Bến Tre: Nuôi thủy sản tiếp tục phát huy hiệu quả

Chưa có đánh giá về bài viết

Theo Chi cục nuôi trồng thủy sản, tình trạng dịch bệnh trên tôm nuôi thâm canh và bán thâm canh sau thời gian lắng dịu, nay có dấu hiệu xuất hiện trở lại ở nhiều địa phương. Khả năng tập trung nhiều nhất tại các xã: Định Trung, Đại Hòa Lộc, Bình Thới, Thạnh Trị (huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre). Diện tích bị thiệt hại từ đầu vụ đến nay cũng khá lớn, trên 740 ha, chiếm tỷ lệ 18,5% so với tổng diện tích thả nuôi.

Bệnh trên cá da trơn tuy không nhiều, nhưng cũng xuất hiện rải rác ở một số ao nuôi và có xu hướng ngày càng tăng, chiếm tỷ lệ từ 10 – 20%, chủ yếu là các bệnh như gan thận có mủ, phù đầu, xuất huyết, trắng gan, trắng mang, nhiều nhất là ở các ao cá có trọng lượng dưới 250 gram/con. Song song đó, ngành nông nghiệp cũng đã chú trọng đến việc đảm bảo chất lượng con giống, đã kiểm dịch tôm giống nhập tỉnh trên 1,2 tỷ con, vượt 77% kế hoạch, tăng 139% so cùng kỳ năm 2010. Trong đó, tôm sú 600 triệu con, tôm thẻ chân trắng 600 triệu con. Giống tôm sú sản xuất trong tỉnh 424 triệu con, đạt 85% kế hoạch, tăng 8% so cùng kỳ.

Thu hoạch tôm sú ở Thạnh Trị (Bình Đại). Ảnh: H.H

Đặc biệt, các loại thủy sản phát triển ổn định, nhiều đối tượng nuôi phát triển tốt, mang lại hiệu quả cao. Nghề nuôi tôm vẫn là đối tượng chủ lực đang được nhiều địa phương, người dân quan tâm đầu tư và mang lại hiệu quả cao. Diện tích nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh đã thả giống được gần 5.000 ha, đạt 100% kế hoạch. Trong đó, diện tích tôm sú là 4.000 ha, còn lại là tôm thẻ chân trắng khoảng 1.000 ha. Sản lượng tôm thu hoạch từ đầu năm đến nay đạt trên 10.580 tấn. Ngoài tôm biển nuôi vùng nước mặn, nhiều địa phương còn phát triển tôm sú, tôm càng xanh nuôi xen trong ruộng lúa, nhất là ở Thạnh Phú, với trên 10.000 ha. Tôm càng xanh nuôi trong mương vườn, nuôi theo mô hình liền canh, liền cư cũng được chú trọng phát triển, nhiều nhất là ở các huyện: Giồng Trôm, Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc, với diện tích 4.500 ha. Cá da trơn là đối tượng nuôi tuy không ổn định về giá cả nhưng cũng được nhiều người nuôi quan tâm. Diện tích nuôi thâm canh từ đầu năm đến nay đã thả giống 650 ha mặt nước, sản lượng thu hoạch 70.400 tấn. Tuy giá cá tra nguyên liệu có giảm (khoảng từ 23.000 – 25.000 đồng/kg) so với trước đây nhưng người nuôi vẫn có lãi. Riêng, nhuyễn thể hai mảnh võ, chủ yếu là nghêu (do ảnh hưởng của dịch bệnh, đã chết hàng loạt trong những tháng đầu năm), nên sản lượng thu hoạch mới chỉ đạt 4.500 tấn, chủ yếu là sò huyết. Nhờ giá sò thịt tăng cao, từ 40.000 – 45.000 đồng/kg (sò thịt 70 – 80 con/kg) nên trong vụ nuôi vừa qua, đa số người nuôi đều có lãi. Con nghêu sau khi bị chết đồng loạt, một số bãi nghêu giống đang xuất hiện trở lại nhưng mật độ chưa nhiều so với trước đây. Ngoài ra, một số đối tượng nuôi khác cũng mang lại hiệu quả như cá rô phi, cá kèo, cá chẻm, cá bống tượng… đang được nhiều nông dân đầu tư, do đầu ra của các loại sản phẩm này khá ổn định.

Cùng với nuôi trồng, đánh bắt cũng có nhiều chuyển biến tích cực. Sản lượng khai thác từ đầu năm đến nay ước đạt 62.000 tấn thủy sản các loại. Đặc biệt, tuy có nhiều khó khăn trong đánh bắt do nhiên liệu và chi phí đầu vào tăng, nhưng đã có 4.316 tàu thuyền đăng ký hoạt động, tăng 11 tàu. Trong đó, tàu khai thác xa bờ 1.698 chiếc, chiếm 39% so với tổng tàu thuyền trong toàn tỉnh. Ngành nông nghiệp đang tập trung chỉ đạo các địa phương tích cực hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả nghề nuôi, đánh bắt, bảo đảm tuân thủ nghiêm lịch thời vụ và các giải pháp kỹ thuật an toàn.

NN

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!