Bến Tre: Thu nhập cao từ nuôi cá bông lau

Chưa có đánh giá về bài viết

Anh Lê Hồng Phương, sinh năm 1975, ở Ấp 6, xã Bình Thắng, huyện Bình Đại, là người tiên phong thành công với ý tưởng chuyển đổi từ nuôi tôm thẻ chân trắng 2 giai đoạn sang nuôi cá bông lau thương phẩm tự nhiên nhiều năm liền có lãi ròng trên 1 tỷ đồng/năm

Thu hoạch cá bông lau thương phẩm tại hộ anh Lê Hồng Phương.

Lợi nhuận trên 1 tỷ đồng/ năm

Anh Lê Hồng Phương chia sẻ: “Năm 2014, quá trình nuôi tôm gặp nhiều khó khăn, lợi nhuận không cao, nên tôi đã tìm tòi, nghiên cứu và nhận thấy nguồn lợi kinh tế từ cá bông lau, từ đó tôi nảy ra ý tưởng thuần dưỡng và nuôi cá bông lau thương phẩm. Bước đầu, tôi tận dụng 1.200m2 ao nuôi tôm lót bạt cải tạo và thả nuôi thử vài trăm con cá bông lau giống mua từ các ghe, tàu đánh bắt ngoài sông lớn. Sau 20 tháng thả nuôi, cá phát triển tốt và đạt trọng lượng trên 2kg/con, bán với giá hơn 150 ngàn đồng/kg và thu về lợi nhuận khá cao”.

Từ lợi nhuận ban đầu, anh Phương đã đầu tư cải tạo mở rộng 6 ao nuôi tôm với tổng diện tích 20.000m2 và chuyển hẳn sang nuôi cá bông lau thương phẩm. Anh áp dụng phương thức thả nuôi xoay vòng để đảm bảo nguồn lợi kinh tế trong năm, với 60 ngàn con cá giống bông lau, tổng sản lượng thu hoạch đạt 45 tấn. Trong đó, anh đặc biệt dành 1 ao nuôi khoảng 1.000m2 để thuần dưỡng cá bông lau giống, sau 7 ngày thả ra ao đất. Mật độ thả để cá có tỷ lệ sống cao và đạt sản lượng bình quân 3 con/m2. Những năm qua, anh Phương đã duy trì và phát triển hiệu quả tổng diện tích thả nuôi cá bông lau thương phẩm, với nguồn thu nhập mỗi năm hơn 1 tỷ đồng sau khi trừ chi phí.

Với kinh nghiệm tích lũy được, anh Phương cho biết: “Cá bông lau là đối tượng nuôi mới, có giá trị kinh tế cao, nguồn giống có sẵn ngoài tự nhiên, kỹ thuật nuôi cũng khá đơn giản, giống với các loại cá da trơn, khả năng kháng bệnh cao. Cá bông lau giống xuất hiện hàng năm từ tháng  8 đến tháng 11 âm lịch. Đây cũng là thời điểm anh bắt đầu thu mua giống đem về thuần dưỡng và thả nuôi. Nuôi cá bông lau cũng khá đơn giản, chủ yếu quan tâm đến chế độ thức ăn, ao nuôi sâu 3m và sạch sẽ, thông thoáng, chạy quạt đều tạo oxy vì đây là loại cá sống ngoài thiên nhiên thích nơi dòng chảy nước sâu, đặc biệt nhằm đảm bảo chế độ ăn cho cá, không để thức ăn trôi vào bờ, dư thừa, anh đã nghĩ ra cách dùng ống nhựa khoanh tròn thả nổi trên một phần diện tích ao nuôi và thả thức ăn vào đó. Mỗi ngày cho cá ăn 2 cử vào 6 giờ sáng và 6 giờ tối”.

Hiện anh Phương có 10.000m2 ao nuôi cá bông lau thương phẩm trong thời kỳ thu hoạch, đạt trọng lượng trên 2kg/con thả nuôi 20 tháng và 10.000m2 còn lại mới thả nuôi được 12 tháng, hiện cá đạt trọng lượng khoảng 800gram đến 1kg/con.

Nhân rộng mô hình

Thấy được hiệu quả thiết thực của việc chuyển đổi từ nuôi tôm 2 giai đoạn sang nuôi cá bông lau thương phẩm của anh Phương, nhiều hộ nuôi tôm trong ấp đã học hỏi kỹ thuật nuôi theo và chuyển đổi thành công sang nuôi cá bông lau thương phẩm mang lại hiệu quả kinh tế cao.

 Điển hình có anh Lê Hữu Đức, ở ấp 6 của xã đã chuyển đổi thành công 13.000m2 ao nuôi tôm công nghiệp sang nuôi cá bông lau thương phẩm đến nay được hơn 5 năm. Anh Đức chia sẻ: “Năm 2019, sau thời gian nuôi tôm 2 giai đoạn mang lại lợi nhuận không cao, tôi đã học tập kỹ thuật và nuôi cá bông lau theo anh Phương. Anh Phương hỗ trợ tìm con giống và cách thuần dưỡng con giống trước khi thả ra ao tự nhiên và đến nay tôi đã tự thực hiện và mang lại hiệu quả cao, thu lợi nhuận ổn định trên 400 triệu đồng/vụ”.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Thắng Nguyễn Hồng Khanh cho biết: “Với nguồn lợi mang lại, nhiều năm liền từ nuôi cá bông lau thương phẩm, tháng 4-2024, Hội Nông dân xã Bình Thắng đã vận động, tập hợp các hộ chuyển đổi từ ao nuôi tôm công nghiệp sang nuôi cá bông lau thương phẩm, thành lập Tổ hợp tác nuôi cá bông lau gồm 7 thành viên, có tổng diện tích thả nuôi trên 93,6ha với mục tiêu phát triển và mở rộng diện tích nuôi cá bông lau thương phẩm trên địa bàn xã”.

Hiện nay, mô hình nuôi cá bông lau đã được nhân rộng tại 12 hộ dân trong xã, hầu hết là các hộ chuyển đổi từ nuôi tôm, hộ nuôi nhiều nhất có diện tích 20.000m2 và hộ nuôi ít nhất cũng có 5.000m2. Có thể thấy, trong điều kiện thích ứng với biến đổi khí hậu, tái cơ cấu nông nghiệp thì việc đầu tư nuôi cá bông lau thương phẩm được xem là mô hình phù hợp giúp người nuôi tăng thu nhập, góp phần phát triển kinh tế – xã hội địa phương.

Bài, ảnh: Thanh Hương

Nguồn: Báo Đồng Khởi

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!