T2, 06/07/2020 10:37

Bến Tre: Thú vị nghề mua bán thủy hải sản ở biển – Bài 1: Uy lực của các chủ vựa tại bến cảng

Chưa có đánh giá về bài viết

Nếu như tàu cá có nhiệm vụ ra khơi đánh bắt cho được thật nhiều tôm cá thì các vựa thu mua có “nghề” là tập trung, điều tiết, phân phối và định giá hàng hóa tại bến.

Con số vựa thu mua thủy hải sản tại mỗi bến cảng chỉ một vài nhưng thú vị là các chủ vựa luôn được so sánh với một hình ảnh khá uy lực mà dân xứ biển dành riêng cho họ. Đó là những người hét ra lửa.  

 

Lựa hàng và giao hàng cho các cơ sở thu mua là “nghề” của các vựa tại cảng.

“Ngân hàng” của tàu cá

Điều quyết định uy lực của chủ vựa là khả năng về tài chính. Vựa càng giàu thì tàu đánh bắt cho vựa càng nhiều. Những vựa mạnh nhất có thể chọn, thu hút những tàu đánh bắt giỏi mang nhiều hàng “ngon” về cho mình.

Một trong những hàng được bình chọn là “ngon” nhất của các tàu cá Bến Tre là con cá mực. Nếu tàu giỏi, đánh trúng luồng mực khổng lồ thì giống như đã lượm được kho báu từ biển cả. Đương nhiên, khi đó vựa “mối” của tàu này cũng sẽ trúng đậm. Những người trong nghề từng so sánh rằng, nếu sau một chuyến đánh bắt, tàu vô vài tỷ đồng thì các vựa cũng được lợi với khoản tiền tương đương.

Hải sản được đưa lên cảng

Song, đó chỉ là mặt nổi của các vựa khi tàu về tấp nập, cá đầy khoang, cảng hoạt động nhộn nhịp. Đằng sau đó, ít ai biết rằng làm chủ vựa cũng lắm rủi ro. Khi đó, chính chủ vựa phải là người chịu sào chống đỡ. Có nghe những lời tâm tình tự đáy lòng của người làm lâu năm trong nghề mới hiểu phần nào những nỗi buồn – vui, sướng – khổ của người làm nghề này. Nói như anh Minh, một chủ vựa mười mấy năm trong nghề tại cảng cá Bình Thắng (huyện Bình Đại), được mùa, tàu thắng lớn thì tụi tui cũng được lợi. Nhưng suốt nửa năm nay, tàu đánh thất 60 – 70%, trong khi vựa phải nuôi 2 – 3 cặp ghe mỗi ngày, mỗi cặp ghe phải ghim vốn 500 – 600 triệu đồng. Anh cho biết, hiện mối của vựa cũng khoảng 45 tàu. Đó chính là sự chia sẻ lợi ích, tạo quan hệ gắn bó làm ăn lâu dài, đầu tư cho tàu. Anh bật mí cho chúng tôi, nguồn vốn lưu động để đảm bảo cho vựa hoạt động ít nhất trên 10 tỷ đồng. Vì thế, khi bức bách, chủ vựa phải đi vay của ngân hàng cả tỷ đồng để nuôi tàu cá, tiếp nhiên liệu cho tàu đủ sức ra khơi ở những chuyến tiếp theo.

“Sống ở biển, không làm nghề này thì biết làm nghề gì!” – lời tâm tình khiêm tốn của anh Minh. Có lẽ vậy mà hầu hết anh chị em trong gia đình anh Minh đều làm nghề buôn bán thủy sản. Anh cho biết, anh có 3 người em vợ là đầu mối, nhận hàng của vợ chồng anh để phân phối lại. Người em trai của anh cũng đã từng theo nghề này. Và giờ các con anh cũng nối nghiệp, hỗ trợ cha mẹ phát triển công việc của gia đình.

Hét giá là quyền của chủ vựa

Khi biết rằng vựa của anh Minh chỉ ở mức trung bình trong số 5 vựa ở cảng, tôi được giới thiệu thêm: Có một chủ vựa là “ông trùm” của các vựa. Trong khi, quyền định giá rơi vào tay của các chủ vựa thì “ông trùm” sẽ là người quyết mức giá cuối cùng. Hàng về cập bến, việc thỏa hiệp giá giữa chủ các tàu cá và các chủ vựa sẽ diễn ra như một cuộc đấu thầu. Vựa nào ra giá cao hơn sẽ dễ mua được nhiều hàng hơn. Tuy nhiên, chỉ có số ít tàu không phải chịu lệ thuộc tài chính vào các vựa mới có thể bán hàng theo kiểu đấu thầu như thế. Những tàu được vựa nuôi (theo cách nói của các chủ vựa) sẽ phải bán hết số hàng trên tàu cho vựa mối của mình với mức giá chung được định sẵn. Theo nhận định của Ban quản lý Cảng cá Bình Thắng, gần như các tàu cá đều lệ thuộc tài chính vào những chủ vựa – mối. Tàu về có nhiệm vụ bán hàng cho vựa, vựa có trách nhiệm là phải thu mua hết số hàng mà các tàu có được.

Phân loại cá mực

Sau đó, vựa sẽ phân loại, vào túi, ướp lạnh để giữ độ tươi và bắt đầu một cuộc mua bán, cạnh tranh mới với các đầu mối cấp dưới, các cơ sở thu mua, sơ chế trong khu vực và trong tỉnh. Từ mạng lưới này, mặt hàng thủy sản sẽ được phân chia theo nhiều hình thức để cung cấp cho các đối tượng khách hàng khác nhau. Đây là khâu quan trọng nhất quyết định lợi nhuận của chủ vựa. Chỉ cần xử lý hàng tại bến nhưng chủ vựa có thể thu lời tại chỗ từ 50 đến 100%. Nếu vựa thu mua của tàu giá 7.000 đồng/kg cá thì cơ sở sơ chế phải chấp nhận thu mua lại với giá từ 10.000 đến 14.000 đồng. Bởi đổi lại, chủ vựa phải nuôi tàu, xử lý tất cả hàng hóa của tàu, phân phối nguồn hàng nhập về và điều tiết giá dựa vào nguồn hàng, vào diễn biến thị trường để đảm bảo hàng hóa được lưu thông trôi chảy chứ không bị ế ẩm, ứ đọng.

Thông thường, việc nhập hàng, mua bán trực tiếp tại cảng diễn ra từ lúc trời vừa hừng sáng đến khoảng 8 – 9 giờ cùng ngày. Tháng này là tháng hoạt động thắng lợi nhất của các tàu và hệ thống mua bán thủy hải sản ở biển kể từ đầu năm đến nay vì trúng nhiều cá, mực. Những ngày trúng đậm, tàu cá về từ 10 đến 15 chiếc, mỗi vựa phải thu mua, xử lý hàng chục tấn cá, hoạt động tại bến sẽ diễn ra lâu hơn, nhưng trễ lắm thì cũng phải đảm bảo kết thúc trong buổi xế chiều.

Quá trình phát triển lên một chủ vựa cũng khá thú vị. Anh Minh kể, cách nay hơn chục năm, vợ chồng còn là những người mua bán nhỏ lẻ, phải lặn lội đến từng nhà để mua hàng bằng chiếc xe máy cọc cạch. Rồi nghề dạy nghề, cái nghề làm chủ vựa của vợ chồng anh cũng dần lớn lên. Việc quản lý ghe tàu, tiền bạc, cạnh tranh trên thương trường cũng ngày càng phức tạp, rủi ro hơn. Vấn đề là bí quyết, phương thức như thế nào để có thể làm ăn lâu dài chứ không phải một ngày một bữa.

Đối với họ – những người vốn xuất thân từ nghèo khó, chắt chiu từng đồng lời thì đây là công việc vốn không đơn giản tí nào.

(Còn tiếp)

Bài, ảnh: Cẩm Trúc

Báo Đồng Khởi

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!