“Đến nay, đề tài “Nghiên cứu xây dựng mô hình nuôi cá măng (Chanos chanos) kết hợp với tôm sú (Penaeus monodon) trong ao đất tại tỉnh”, do Phân viện Nghiên cứu Hải sản phía Nam chủ trì thực hiện và ThS. Nguyễn Thị Phương Thảo làm Chủ nhiệm đề tài đã cơ bản hoàn thành các nội dung nghiên cứu. Đề tài là một trong những hướng nghiên cứu mới, góp phần gia tăng giá trị sản phẩm trên cùng diện tích canh tác”, Phó giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Trương Trịnh Trường Vinh cho biết.
Thu hoạch cá măng nuôi kết hợp với tôm sú ở huyện Thạnh Phú.
Theo ThS. Nguyễn Thị Phương Thảo – Chủ nhiệm đề tài, một trong những mục tiêu cụ thể mà đề tài đã xác định ngay từ đầu là xây dựng quy trình kỹ thuật nuôi cá măng kết hợp tôm sú trong ao đất tại Bến Tre. Tháng 3-2023, mô hình nuôi thử nghiệm cá măng kết hợp với tôm sú trong ao đất triển khai tại Đại lý thức ăn Ngọc Trâm, ở ấp An Hòa, xã An Nhơn, huyện Thạnh Phú trên 6 ao, tổng diện tích 18.000m2.
Trước khi thả giống cá măng và tôm sú, cải tạo 6 ao nuôi (mỗi ao 3.000m2), gồm: Nạo vét bùn đáy ao, diệt tạp, đắp bờ, rắc vôi, xử lý nước ao nuôi. Lắp đặt hệ thống thiết bị (hệ thống quạt, máy bơm nước, đèn điện và cải tạo 1 ao 5.000m2 để làm ao lắng…). Số lượng con giống cá măng được thả nuôi 3.750 con, với mật độ ao số 1: 1 con/5m2, ao số 2: 1 con/3m2 (mỗi ao lặp lại 2 lần). Cá giống khỏe mạnh, không bị dị hình, màu sắc tươi sáng và không trầy xước, không nhiễm bệnh. Cá măng có kích thước từ 5 – 7cm. Mùa vụ thả giống cá măng từ tháng 3 đến tháng 9 hàng năm.
Số lượng con giống tôm sú được thả nuôi 360 ngàn con, với mật độ 6 ao 20 con/m2 (4 ao nuôi ghép và 2 ao đối chứng nuôi đơn). Tôm sú khỏe mạnh, màu sắc tươi sáng, cỡ giống tôm sú PL15, chiều dài lớn hơn 1,2cm. Chất lượng con giống tôm sú phải đáp ứng theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN 9398:2012 tôm biển. Tôm sú giống có nguồn gốc rõ ràng (tôm sú Moana) và không nhiễm các mầm bệnh. Mùa vụ thả giống tôm sú từ tháng 1 đến tháng 7.
Trong quá trình thực hiện mô hình, cán bộ kỹ thuật của đề tài hướng dẫn cho hộ nuôi kỹ thuật chăm sóc và quản lý ao nuôi cá măng và tôm sú; theo dõi các yếu tố môi trường. Ghi nhật ký tỷ lệ sống của cá măng và tôm sú. Quản lý thức ăn và hạn chế thức ăn dư thừa để tránh gây ô nhiễm môi trường ao nuôi.
Trong tháng đầu, khẩu phần cho cá măng ăn từ 6 – 8% khối lượng thân cá, cho cá măng ăn 2 lần/ngày, cho ăn ở góc ao cuối gió. Từ tháng thứ 2 trở đi, cho cá ăn khẩu phần từ 3 – 5% khối lượng thân cá. Thường xuyên theo dõi để điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp.
Tôm sú cho ăn 3 – 4 lần/ngày. Trong 5 ngày đầu, cho ăn từ 1,2 – 1,5kg/100 ngàn con giống. Sau đó, cứ 2 ngày tăng lên khoảng từ 0,2 – 0,3kg/100 ngàn con giống. Từ tháng nuôi thứ hai đến khi thu hoạch, theo dõi sàn ăn để điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp.
Suốt thời gian nuôi mô hình phải quản lý môi trường ao nuôi cá măng kết hợp với tôm sú và duy trì trong khoảng thích hợp: Độ mặn: 5 – 15‰; NH3-N < 0,1 mg/L; H2S < 0,03 mg/L; Oxy hòa tan > 4mg/L; Độ kiềm 80 – 150 mg/L.
Theo Phó giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Trương Trịnh Trường Vinh, thời gian qua, một số tỉnh ở miền Trung đã nuôi cá măng thương phẩm vùng nước lợ nhưng chưa có đề tài công bố chính thức về quy trình nuôi ghép cá măng với tôm sú. Đề tài “Nghiên cứu xây dựng mô hình nuôi cá măng kết hợp với tôm trong ao đất tại tỉnh” thực hiện đã xây dựng được quy trình kỹ thuật nuôi kết hợp. Đề tài đa dạng đối tượng nuôi trong cùng một ao nuôi là một trong những các giải pháp hữu hiệu để giảm rủi ro do thời tiết, môi trường thay đổi. Tăng khả năng tận dụng thức ăn của các đối tượng, tặng tận dụng diện tích ao nuôi, loại bỏ các chất nguy cơ gây ô nhiễm cũng như tăng hiệu quả của hoạt động nuôi trồng thủy sản.
Sau hơn 7 tháng nuôi, cá măng đạt được kích cỡ thương phẩm với trọng lượng trung bình đạt từ 300 – 500 gam/con, tỷ lệ sống đạt trên 70%, tổng sản lượng thu hoạch đạt 1,2 tấn cá măng thương phẩm.
Sau gần 6 tháng nuôi, tôm sú đạt được kích cỡ thương phẩm, với trọng lượng trung bình đạt 15 – 20 con/kg, tỷ lệ sống đạt trên 60%. Tổng sản lượng thu hoạch đạt 5,4 tấn tôm sú thương phẩm.
Giá trị sản phẩm và hiệu quả kinh tế trong mô hình nuôi ghép cao hơn so với mô hình nuôi tôm đơn. Doanh thu trong mô hình nuôi ghép ở mật độ tôm 20 con/m2 và cá măng 1 con/5m2 đạt 712,47 triệu đồng/ha (150 ngày nuôi), còn trong nuôi tôm đơn doanh thu bình quân đạt 173 triệu đồng/ha (150 ngày nuôi).
Bên cạnh đó, kết quả nuôi cá măng kết hợp với tôm sú của mô hình thử nghiệm đã tạo ra nguồn nguyên liệu sạch làm sản phẩm chả cá măng và chả tôm sú của Công ty TNHH QT Hải sản xanh được Hội đồng cấp huyện chấm và công nhận đạt sản phẩm OCOP 3 sao. Điều này tạo điều kiện cho sản phẩm chả cá măng và chả tôm sú được tiêu thụ rộng rãi… Việc chế biến cá măng và tôm sú thành sản phẩm chả cá măng và chả tôm sú sẽ nâng cao giá trị cá thương phẩm và không phụ thuộc vào thương lái mà chủ động được thị trường.
Giải quyết việc làm cho những lao động trực tiếp và lao động gián tiếp liên quan đến nghề nuôi tôm. Nâng cao trình độ kỹ thuật nuôi tôm sú cho người dân, xóa bỏ kỹ thuật nuôi tôm sú chưa phù hợp, hình thành kỹ thuật chuẩn cho người dân vùng thực hiện mô hình. Mô hình đóng góp tích cực vào chương trình phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững. Người tiêu dùng được sử dụng tôm sú thương phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Thực hiện mô hình sẽ tạo thêm việc làm, nâng cao hiệu quả kinh tế cho hộ nuôi trồng thuỷ sản, góp phần đảm bảo an sinh xã hội.
Mô hình đóng góp tích cực vào chương trình an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ sinh môi trường sinh thái. Sử dụng thức ăn tổng hợp, kiểm soát thức ăn dư thừa… giảm tác động xấu đến môi trường; giúp tăng hiệu quả sử dụng mặt nước. Tăng cường kiến thức và kỹ năng giúp nông dân giảm tác động đối với môi trường và đối với sức khỏe người sản xuất.
ThS. Nguyễn Thị Phương Thảo cho biết, từ các kết quả mô hình sẽ là cơ sở để nhân rộng, mở ra hướng phát triển mới cho người nuôi trồng thủy sản, tận dụng có hiệu quả tiềm năng diện tích ao nuôi tôm thẻ công nghệ cao không hiệu quả để nuôi cá măng kết hợp với tôm sú, nâng cao hiệu quả sản xuất. Qua đó, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế nông hộ và nâng cao đời sống cho người dân, xây dựng nghề nuôi thủy sản của tỉnh phát triển ổn định và bền vững.
Phát biểu kết luận tại hội thảo khoa học đề tài “Nghiên cứu xây dựng mô hình nuôi cá măng kết hợp với tôm trong ao đất tại tỉnh” mới đây, Phân viện trưởng Phân viện Nghiên cứu Hải sản phía Nam Phạm Quốc Huy đề nghị nhóm thực hiện đề tài bổ sung thêm kích cỡ thả ban đầu của cá măng và tôm sú nuôi thương phẩm. Bổ sung thời gian nuôi cá măng trước bao lâu để thả tôm sú vào nuôi kết hợp trong ao đất. Cần nhân rộng mô hình nuôi cá măng kết hợp với tôm sú trong ao đất cho 3 huyện Bình Đại, Ba Tri và Thạnh Phú. Thu hoạch bằng biện pháp dùng lưới gút thu tôm để không ảnh hưởng nhiều đến cá măng.