Bền vững con tôm – cây lúa

Chưa có đánh giá về bài viết

Sau những thất thường từ các hình thức nuôi tôm khác, người ta đang hướng đến luân canh tôm – lúa, hình thức đã được các nhà khoa học và quản lý khẳng định là mang lại hiệu quả kinh tế cao và cũng là đặc trưng của các tỉnh ĐBSCL.

Khẳng định hiệu quả

Ông Trần Quốc Khôi, xã Thuận Hòa (huyện An Minh, Kiên Giang) nuôi tôm trên ruộng lúa. Năm 2014, chỉ tốn 7,5 triệu đồng mua tôm giống thả thêm vào ruộng, thu hoạch 100 kg tôm, bán được 20 triệu đồng, lãi 12,5 triệu đồng. Năm 2015, ông giảm tiền mua giống, chỉ còn mua hơn 2,5 triệu đồng nhưng thêm kiểm dịch, làm vèo nuôi khi tôm còn nhỏ và bổ sung thêm thức ăn. Nhờ đó, thả ít giống nhưng tỷ lệ tôm sống tăng khoảng chục lần năm 2014, mới gần 4 tháng đã thu 112 kg tôm, bán được gần 15,5 triệu đồng, lãi hơn 13,1 triệu đồng. Hiện vẫn thu hoạch tôm lai rai, tháng nữa mới sạ lúa.

Ở tỉnh Bạc Liêu, ông Phan Thành Đông – Chủ tịch UBND huyện Phước Long cũng làm 10 ha tôm – lúa. Đến cuối tháng thu hoạch được lượng tôm giá trị bằng nửa năm trước. Theo ông, chủ yếu do khách quan, năm nay nắng nóng kéo dài nên nước có độ mặn quá cao, tỷ lệ tôm sống thấp và chậm lớn. Cùng đó, giá tôm biến động nhiều, loại 30 con/kg năm 2014 là 200.000 đồng/kg, năm nay giảm còn 160.000 đồng/kg.

Hiệu quả kinh tế cao thấp khác nhau nhưng rõ ràng nuôi tôm luân canh với trồng lúa không lỗ. Ngoài thu hoạch tôm, trong năm còn vụ lúa thu hoạch gần tết Nguyên đán, năng suất thấp nhất cũng 4 tấn/ha.

Thu hoạch tôm càng xanh ở Cà Mau – Ảnh: Diệu Lữ

Một dự án nghiên cứu luân canh tôm – lúa thích ứng biến đổi khí hậu tại huyện An Minh (Kiên Giang), năm 2014 – 2015, do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ tài trợ, cho biết “tôm – lúa đảm bảo an ninh tài chính tốt hơn những mô hình độc canh khác”. Đồng thời, đảm bảo sản xuất nông nghiệp quanh năm ở vùng ranh giới mặn và ngọt, vốn rất khó khăn với các hình thức độc canh mặn hoặc ngọt. Đặc biệt, yêu cầu ít công sức lao động cho nên các thành viên gia đình có thể làm nhiều việc khác bên ngoài để bổ sung thu nhập.

 

Cải thiện để bền vững

Nuôi tôm luân canh lúa đã khẳng định hiệu quả, nhưng làm sao bền vững? Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Kiên Giang, ông Quảng Trọng Thao phân tích: Thu nhập của nông dân có cao hơn độc canh lúa nhưng chưa ổn định, còn năm cao năm thấp, người cao người thấp, dù cạnh nhau. Để đạt ổn định bền vững, cần làm rõ mật độ nuôi bao nhiêu, kiểm soát mặn ngọt mức nào thì bền vững?

Nuôi tôm ở Kiên Giang, đến tháng 7/2015 đã thả giống 97.393 ha. Trong đó, diện tích tôm – lúa 77.081 ha (78,7%); quảng canh cải tiến 19.452 ha (20%), còn lại nuôi thâm canh và bán thâm canh. Đã thu hoạch 26.803 tấn, trong đó tôm – lúa chiếm 70,4%, quảng canh cải tiến 18,9%, còn lại thâm canh và bán thâm canh. Năng suất ruộng luân canh tôm – lúa, bình quân tôm 470 kg/ha, lúa 4,2 – 4,5 tấn/ha. Tuy nhiên, Phó giám đốc Thao lo lắng, vài năm gần đây thời tiết thất thường gây thiệt hại cho tôm nuôi còn lớn. Vùng tôm – lúa chính của Kiên Giang là U Minh Thượng, năm 2014 thiệt hại 7.178 ha, nửa năm nay tổn thất tới 10.566 ha.

Tỉnh Cà Mau diện tích nuôi tôm lớn nhất nước; trong đó, diện tích luân canh tôm – lúa đứng thứ hai, sau Kiên Giang, năm 2015 là 43.000 ha. Năng suất bình quân, tôm 320 – 350 kg/ha; lúa 4 – 4,2 tấn/ha. Năng suất nuôi tôm luân canh lúa cao hơn nuôi tôm quảng canh truyền thống 10 – 20%. Theo Sở NN&PTNT tỉnh này, tôm – lúa cũng đang gặp những trở ngại lớn: hộ gia đình nuôi manh mún, chất lượng giống tôm và giống lúa chưa đáp ứng nhu cầu.

Tại Bạc Liêu, tôm – lúa luân canh một năm 2 vụ tôm 1 vụ lúa. Tháng 2 – 3 thả giống tôm, kết thúc vào tháng 7, năng suất trung bình 350 – 400 kg/ha, lúa bắt đầu gieo sạ từ khoảng tháng 9. Trong vụ lúa còn thả xen tôm càng xanh. Mỗi năm bình quân lãi 50 triệu đồng/ha. Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư tỉnh Bạc Liêu, ông Huỳnh Quốc Khởi, cho biết, cơ sở hạ tầng vùng tôm – lúa còn rất kém, cùng với khả năng tiếp cận khoa học kỹ thuật của nông dân hạn chế, đang là những thách thức với tôm – lúa.

Ông Phạm Khánh Ly, Phó vụ trưởng Vụ Nuôi trồng Thủy sản (Tổng cục Thủy sản), thống nhất nhận định, luân canh tôm – lúa còn nhiều bất cập phải vượt qua để phát triển hiệu quả và bền vững. Ông Ly nhấn mạnh quy trình kỹ thuật chuẩn cho cả vùng. Theo ông, quy trình kỹ thuật luân canh tôm – lúa ở một số nơi đã có nhưng chưa có quy trình chuẩn cho mô hình này tại ĐBSCL, đặc biệt khâu thiết kế đồng ruộng, chọn và ương giống tôm, cả giống lúa phù hợp.

Cho nên, ông Ly nhận định: “Vấn đề đặt ra cần quan tâm giải quyết là cải tiến kỹ thuật và quản lý tốt hơn loại hình sản xuất này, nhằm nâng cao hiệu quả, tăng sản lượng tôm nuôi, góp phần tăng sản lượng tôm nuôi nước lợ và tạo công ăn việc làm cho người dân ĐBSCL”. Vả lại, không chỉ nâng cao đời sống người dân hiện tại, mà “từ đó tăng khả năng thích ứng của cộng đồng trong điều kiện thời tiết, khí hậu có nhiều biến đổi cực đoan”.

>> ĐBSCL hiện có hơn 160.000 ha nuôi một vụ tôm và trồng một vụ lúa. Những tỉnh có diện tích tôm – lúa lớn nhất là Kiên Giang 77.000 ha, Cà Mau 43.700 ha, Bạc Liêu 29.600 ha. Năng suất tôm bình quân 320 – 400 kg/ha.

Sáu Nghệ

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!