(TSVN) – Thế kỷ 21 là thế kỷ của đại dương, Việt Nam xác định hướng mạnh ra biển, khai thác tiềm năng lợi thế để phát triển toàn diện, bền vững. Ngành thủy sản càng phải hướng ra biển làm tương lai phát triển và định hướng này đã được đưa vào nghị quyết Đại hội Đảng nhiệm kỳ 2020 – 2025 của một số địa phương ĐBSCL, điển hình là tỉnh Kiên Giang và Cà Mau.
Nghị quyết của tỉnh Kiên Giang đã nhấn mạnh như thế trong nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế thời gian tới.
Những năm qua, kinh tế biển Kiên Giang phát triển khá toàn diện, chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong GRDP của tỉnh (79,76% GRDP vào năm 2020). Công tác quy hoạch, phát triển đô thị ven biển, quản lý tài nguyên, môi trường ven biển, hải đảo được quan tâm; các ngành nghề khai thác, NTTS tăng về sản lượng và giá trị. Đời sống của nhân dân ven biển và trên các đảo được cải thiện.
Kiên Giang có vùng biển – đảo phát triển mạnh khai thác và nuôi trồng hải sản, dịch vụ – du lịch chất lượng cao; vùng U Minh Thượng phát triển NTTS, du lịch sinh thái. NTTS đa dạng theo quy hoạch đã hình thành một số vùng nuôi tôm công nghiệp. Tổng sản lượng khai thác và nuôi trồng đạt 755.000 tấn vào năm 2020. Công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản và môi trường biển đạt kết quả tích cực, tổ chức lại việc khai thác hải sản theo hướng giảm dần tàu thuyền có công suất nhỏ khai thác ven bờ, phát triển tàu có công suất lớn, đánh bắt xa bờ.
Tập trung phát triển công nghiệp chế biến thủy sản. Công nghiệp đóng, sửa chữa tàu, thuyền tiếp tục là ngành công nghiệp chủ đạo và là động lực tăng trưởng toàn ngành công nghiệp.
Tuy nhiên, ngành thủy sản phát triển chưa hợp lý, khai thác còn chiếm tỷ lệ trên 70%, chất lượng hải sản khai thác và giá trị gia tăng thấp. Nhất là chưa thực hiện tốt các quy định về khai thác và bảo vệ nguồn lợi. Kinh tế biển chưa phát huy hiệu quả tương xứng với tiềm năng, nguồn lợi kinh tế ven biển.
Nghị quyết mới đặt ra nhiệm vụ: “Tổ chức tốt việc xây dựng và quản lý quy hoạch không gian biển. Đẩy mạnh phát triển và nâng cao hiệu quả các ngành kinh tế biển”. Tập trung vào 4 lĩnh vực:
Một là, phát triển nuôi trồng, đặc biệt là nuôi biển, chế biến và đánh bắt hải sản. Chuyển mạnh nuôi hải sản theo phương thức công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao gắn với phát triển du lịch, bảo vệ môi trường biển; thu hút đầu tư sản xuất giống chất lượng cao, kháng bệnh, đồng thời nhanh chóng tiếp cận, ứng dụng công nghệ nuôi biển hiện đại ở vùng khơi. Xây dựng các đội tàu mạnh, khai thác xa bờ và khai thác viễn dương theo chương trình hợp tác của Chính phủ, đi đôi với sắp xếp, cơ cấu lại nghề cá ven bờ; ngăn chặn, giảm thiểu và chấm dứt các hành vi khai thác IUU. Tăng cường bảo vệ, tái sinh, phục hồi nguồn lợi hải sản gần bờ, đi đôi với thực hiện đồng bộ, có hiệu quả công tác đào tạo, chuyển đổi nghề cho ngư dân. Đầu tư các khu neo đậu trú bão tại các địa phương trọng điểm nghề cá. Xây dựng trung tâm nghề cá lớn Kiên Giang gắn với ngư trường biển Tây Nam tại huyện An Biên. Đẩy mạnh chế biến và xuất khẩu thủy sản, xây dựng các doanh nghiệp chế biến mạnh, tạo ra các sản phẩm chủ lực, đặc thù của địa phương có chất lượng, giá trị kinh tế cao, đáp ứng yêu cầu của thị trường.
Hai là, phát triển du lịch và dịch vụ biển, trong đó tập trung đầu tư hạ tầng cho du lịch, nhất là các vùng du lịch trọng điểm, du lịch biển đảo, ven biển như: Phú Quốc, Kiên Hải, Hà Tiên, Kiên Lương, Hòn Đất, TP Rạch Giá.
Ba là, phát triển công nghiệp năng lượng: Thúc đẩy đầu tư khai thác điện gió, điện khí, điện mặt trời… và năng lượng tái tạo khác. Ưu tiên đầu tư phát triển năng lượng tái tạo trên các đảo phục vụ sản xuất, sinh hoạt, bảo đảm quốc phòng an ninh. Quan tâm phát triển một số ngành kinh tế dựa vào khai thác tài nguyên đa dạng sinh học biển như dược liệu biển, nuôi trồng và chế biến rong, tảo, cỏ biển.
Bốn là, phát triển kinh tế hàng hải: Đầu tư phát triển các cảng trọng điểm tại Phú Quốc, Kiên Lương, Hà Tiên, Kiên Hải. Trong đó, tập trung phát triển cảng Hòn Chông – Kiên Lương; cảng nước sâu Nam Du; cảng tổng hợp tại Mũi Đất Đỏ và cảng biển Vịnh Đầm; cảng hành khách quốc tế Dương Đông – Phú Quốc, mở rộng cảng Bãi Vòng, cảng hành khách Rạch Giá; cảng Bãi Nò – Hà Tiên, cụm cảng Hà Tiên, Kiên Lương. Xây dựng trung tâm cứu hộ phục vụ vùng biển Tây Nam. Xây dựng bến thủy Xẻo Nhàu quy mô cảng tổng hợp.
Cà Mau là tỉnh duy nhất ở nước ta có 3 mặt giáp biển với bờ biển dài, một trong 4 ngư trường khai thác hải sản trọng điểm của cả nước, có 3 cụm đảo gần bờ (Hòn Khoai, Hòn Chuối, Hòn Đá Bạc) nhiều tiềm năng. Nhiệm kỳ qua, tốc độ tăng trưởng công nghiệp bình quân hàng năm 4%, tập trung chủ yếu vào chế biến thủy sản; sản xuất điện, đạm, khí hóa lỏng. Sản lượng chế biến hàng thủy sản xuất khẩu 5 năm đạt 700.000 tấn. Tuy nhiên, quy mô còn nhỏ, sản xuất ngư nghiệp thiếu bền vững.
Mũi Cà Mau giàu tiềm năng tôm – rừng và nuôi biển Ảnh: Trần Út
Nghị quyết mới xác định “Chú trọng phát triển kinh tế biển; thích ứng với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, hướng đến tăng trưởng xanh”. Giải pháp ưu tiên tập trung vào lợi thế phát triển kinh tế biển, du lịch.
Trong đó, tập trung thực hiện Đề án nâng cao hiệu quả và phát triển bền vững ngành tôm; Đề án khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Quy hoạch, phát triển nông nghiệp trên 2 vùng hệ sinh thái (mặn – lợ, ngọt). Phát triển mạnh nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh, quảng canh cải tiến, nuôi tôm sinh thái; từng bước phát triển nuôi ven biển, ven sông ở những nơi có điều kiện; NTTS, đặc biệt là nuôi tôm sinh thái, cua biển. Phấn đấu tổng sản lượng thủy sản 5 năm tới đạt 3,3 triệu tấn, bình quân tăng 3% một năm.
Quan điểm phát triển kinh tế biển nhanh, bền vững với các ưu tiên như sau:
Tổ chức lại hoạt động khai thác hải sản theo hướng giảm khai thác gần bờ, đẩy mạnh khai thác tại các vùng biển xa bờ phù hợp với từng vùng biển, không vi phạm vùng biển các nước; đẩy mạnh NTTS ven bờ gắn với bảo vệ rừng phòng hộ. Thúc đẩy các hoạt động nuôi trồng, khai thác hải sản bền vững, tăng cường bảo vệ, tái sinh nguồn lợi hải sản, nghiêm cấm các hoạt động khai thác mang tính hủy diệt. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến trong nuôi trồng, khai thác, bảo quản, chế biến hải sản, phát triển các nhà máy chế biến thủy sản sử dụng công nghệ hiện đại, tạo ra các sản phẩm chủ lực, có chất lượng, giá trị kinh tế cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Quy hoạch, thu hút đầu tư xây dựng, tổ chức khai thác đồng bộ, có hiệu quả các cảng biển tổng hợp, cảng chuyên dùng vận chuyển hàng hóa, khách du lịch (Hòn Khoai, Năm Căn, Sông Đốc…) gắn với phát triển hạ tầng logistics và các tuyến đường giao thông kết nối các cảng với khu vực nội địa, quốc tế.
Hỗ trợ, tạo điều kiện để người dân ven biển chuyển đổi nghề từ các hoạt động có nguy cơ xâm hại, tác động tiêu cực đến biển sang bảo vệ, bảo tồn, tạo sinh kế bền vững, việc làm mới ổn định, nâng cao thu nhập cho người dân.
Đột phá chiến lược: “Tập trung đầu tư phát triển rõ nét các đô thị động lực là TP Cà Mau, Sông Đốc, Năm Căn”. Đó là các trung tâm của ngành thủy sản Cà Mau.
Ngọc Huyền