(TSVN) – Bệnh trùng quả dưa được xem là bệnh ký sinh trùng nguy hiểm nhất ở các loài cá nước ngọt. Bệnh do động vật đơn bào Ichthyophthirius multifiliis gây ra, thường bùng phát mạnh vào mùa mưa.
Bệnh trùng quả dưa, hay còn gọi là bệnh “bạch điểm”, là một trong những căn bệnh nguy hiểm nhất đối với các loài cá nước ngọt, đặc biệt là vào mùa mưa. Do ký sinh trùng Ichthyophthirius multifiliis gây ra, bệnh có thể dẫn đến tỷ lệ chết cao nếu không được điều trị kịp thời. Bài viết này sẽ cung cấp cho bạn thông tin chi tiết về bệnh trùng quả dưa, bao gồm nguyên nhân, đặc điểm dịch tễ, dấu hiệu, cách phòng và trị bệnh hiệu quả.
Cá cảnh là loài có khả năng nhiễm bệnh trùng quả dưa. Ảnh: James Pickett
Bệnh trùng quả dưa ở cá nước ngọt do loài trùng quả dưa Ichthyophthirius multifiliis gây ra. Ichthyophthirius multifiliis là ký sinh trùng bắt buộc, tự bám vào da và mang của vật chủ. Chúng có dạng rất giống một quả dưa, đường kính khoảng 0,5 – 1 mm. Toàn thân có nhiều lông tơ nhỏ, nhiều đường sọc. Thân trùng mềm mại, có thể biến đổi hình dạng khi vận động. Trùng rất nhạy cảm với các yếu tố môi trường, chúng không chịu được điều kiện pH < 5, hàm lượng ôxy hòa tan < 0,8 mg/l và rất nhạy cảm với nhiệt độ.
Mùa vụ xuất hiện: Trùng quả dưa thường xuất hiện nhiều vào mùa mưa, trời mát, nhất là ở vùng nhiệt đới. Nhiệt độ thích hợp nhất cho chúng phát triển là từ 25 – 260C.
Loài mắc bệnh: Trùng thường gây bệnh nhiều trên cá nước ngọt, mà nhất là giai đoạn cá giống, cá hương. Ký chủ thường bao gồm các loài cá trắm cỏ, cá chép, cá mè trắng, cá mè hoa, cá trôi, cá rô phi, cá thát lát, cá tra, cá trê và một số loài cá nuôi cảnh cũng dễ nhiễm trùng này.
Bệnh lưu hành rất rộng, khắp các châu lục trên thế giới. Ở khu vực Đông Nam Á, các loài cá nuôi thường mắc bệnh này. Việt Nam đã phát hiện thấy trùng quả dưa ở cá da trơn: cá tra nuôi, cá trê, cá nheo, cá trèn răng. Trong đó, cá trê, cá tra, cá ba sa ở giai đoạn cá giống thường gặp trùng quả dưa gây bệnh làm cá chết hàng loạt (Bùi Quang Tề, 2001).
Cá bệnh bơi nổi thành từng đàn trên mặt nước, quẫy nhiều do ngứa ngáy.
Trên da, mang, vây của cá có nhiều trùng bám thành các hạt lấm tấm rất nhỏ màu trắng đục có thể nhìn thấy được bằng mắt thường rất rõ.
Da mang cá bị bệnh có nhiều nhợt, màu sắc nhợt nhạt.
Cá gầy yếu hoạt động chậm chạp.
Cần áp dụng các biện pháp phòng bệnh tổng hợp, trong đó, cải tạo ao nuôi theo đúng quy trình. Tẩy dọn ao thật kỹ trước khi thả bằng vôi bột rải đều, phơi đáy ao từ 3 – 4 ngày để đảm bảo diệt hết bào tử. Tốt nhất nên có hệ thống lắng, lọc và xử lý nước cấp để hạn chế mầm bệnh. Gây tảo, màu nước làm thức ăn tự nhiên cho cá.
Chọn cá giống khỏe mạnh, không bị xây xát, không dị hình. Kiểm tra thật kỹ cá giống, vì giai đoạn này cá dễ bị nhiễm trùng quả dưa nhất, nếu phát hiện đàn cá bị nhiễm bệnh thì phải có biện pháp xử lý và loại bỏ ngay.
Cá giống mới mua về cần để cá có thời gian quen dần với nước ao, bằng cách té nước ao vào thùng, chậu đựng cá giống hoặc ngâm cả túi cá xuống ao 15 phút để cho nhiệt độ trong túi và nước ao cân bằng nhau, rồi thả cá ra ao.
Vào mùa mưa nên đào rãnh và rải vôi quanh bờ ao với lượng 7 – 10 kg/10 m² để ngăn ngừa phèn,
Thực hiện quản lý tốt các yếu tố môi trường (nhiệt độ, độ sâu, nước ao, hàm lượng ôxy hòa tan, pH…).
Trị bệnh trùng quả dưa cần chú ý đến 2 giai đoạn trong chu kỳ sống của nó. Diệt trùng ở thời kỳ ấu trùng bơi lội tự do thuộc giai đoạn bào nang dễ dàng hơn so với giai đoạn dinh dưỡng (ký sinh). Phương pháp dùng thuốc diệt hết trùng ở giai đoạn ký sinh của cá cần ít nhất vài lần. Hiện có nhiều loại thuốc và hóa chất có thể sử dụng để điều trị bệnh cho hiệu quả. Người nuôi có thể tham khảo phương pháp sau:
– Dùng Formalin tắm với nồng độ 200 – 250 ppm (200 – 250 ml/m³) thời gian 30 – 60 phút hoặc phun xuống ao 20 – 25 ppm (20 – 25 ml/m³) mỗi tuần phun 2 lần.
– Dùng thuốc thảo dược cao cấp Ekvarin nano:
+ Cá giống dùng phương pháp tắm thời gian 1 giờ, nồng độ 20 – 25 ppm (20-25 ml/m³).
+ Cho cá ăn thuốc trộn với thức ăn viên. Cho cá ăn liên tục từ 5 – 7 ngày, liều lượng 0,1 ml/kg cá/ngày.
Nguyễn Hằng