Ecuador là nước xuất khẩu tôm nuôi lớn thứ 3 thế giới. Điều gì đã thúc đẩy ngành tôm nước này phát triển nhanh như vậy?
Ecuador bắt đầu nuôi tôm từ năm 1969 ở bờ Đông Nam vịnh Guayaquil. Vì thiếu kiến thức, người nuôi tôm ở Ecuador đã vận chuyển ấu trùng tôm trong các thùng nhựa mà không kiểm soát được, điều này khiến tỷ lệ sống rất thấp.
Ngay sau đó, nông dân Ecuador đã hiện thực hóa một hệ thống ương giống cho phép các cửa sông và con nước để trữ một lượng lớn ấu trùng tôm. Tuy nhiên, họ đã thất bại trong việc xác định mật độ con giống trên mỗi cửa sông. Để khắc phục điều này, Ecuador đưa ra một phương pháp mới, theo đó, con giống từ các cửa sông được bắt và vận chuyển đến một bể sinh sản. Tôm được duy trì trong các bể này 4 – 8 tháng, cho đến khi chúng sẵn sàng để tiêu thụ và thương mại hóa. Phương pháp này đã tạo ra một cuộc cách mạng hóa ngành tôm toàn cầu. Đến năm 2018, ngành tôm Ecuador đã rất phát triển với số lượng ao nuôi tôm tăng chóng mặt. Các công ty ở nước này sản xuất tôm chất lượng cao trong nhiều thập kỷ và bây giờ đã có chương trình nhân giống tích hợp theo chiều dọc.
Ngoài ra, chính sách phân vùng trang trại là mô hình thực hành tốt nhất trong nuôi tôm. Với mục tiêu về môi trường và bền vững, Ecuador đã đặt ra những hạn chế trong canh tác ở môi trường rừng ngập mặn ven biển, buộc nông dân phải xây dựng ao nuôi ở vùng cao. Không ngạc nhiên khi sản lượng tôm của Ecuador chạm mốc 500.000 tấn vào năm 2018, theo Phòng Nuôi trồng thủy sản Quốc gia Ecuador (CNA). Trong cùng kỳ, xuất khẩu tôm của Ecuador sang châu Á chiếm 61% tổng kim ngạch xuất khẩu, tăng từ 57% cùng kỳ năm 2017. Đáng chú ý, xuất khẩu trực tiếp sang Trung Quốc có mức tăng cao nhất. Với các lô hàng tôm đến nhiều hơn gấp 3 lần, Trung Quốc đã vượt Mỹ trở thành nhà nhập khẩu tôm lớn nhất của Ecuador về cả giá trị và khối lượng. Trong khi đó, xuất khẩu tôm Ecuador sang Việt Nam vẫn ổn định; xuất khẩu sang một số nước châu Âu, đặc biệt là Italia và Tây Ban Nha đã cho thấy một sự tăng trưởng lớn.
Sản lượng tôm tại các quốc gia nuôi tôm lớn ở Mỹ Latinh
Đây là kết quả của nhiều thay đổi và cân bằng thức ăn. Một số nhà sản xuất thức ăn lớn nhất thế giới như Skretting, Vitapro và BioMarGroup đang thực hiện kế hoạch mở rộng ở Ecuador. Tháng 8/2018, Công ty kinh doanh nông nghiệp khổng lồ Mỹ Cargill và nông dân nuôi tôm Naturisa tuyên bố họ đang sản xuất thử nghiệm trong một nhà máy sản xuất thức ăn nuôi tôm mới, dự kiến mở cửa vào tháng 10/2018.
Những lợi thế quan trọng khác mà ngành tôm Ecuador có được so với các đối thủ châu Á là chi phí sản xuất ở cấp độ trang trại thấp; độ đồng đều cao của nguyên liệu thô; quy mô thu hoạch tương đối lớn, mặc dù các nhà sản xuất ở Ecuador từ chối sử dụng hệ thống sản xuất thâm canh hơn. Do Ecuador có chi phí lao động công nghiệp cao, quốc gia này tập trung vào xuất khẩu tôm nguyên con còn đầu và vỏ (HOSO) thay vì sản phẩm bóc vỏ hoặc giá trị gia tăng.
Nước này cũng đang xem xét tiềm năng xuất khẩu công nghệ và chuyên môn trong nuôi tôm, đặc biệt là các nước Ả Rập đang hướng tới mục tiêu tự cung cấp và an ninh lương thực. Những sáng kiến như vậy cùng sự gia tăng liên tục trong sản lượng và chính sách đã khiến nhiều chuyên gia dự đoán, Ecuador có thể sản xuất 700.000 tấn tôm trong vài năm tới, vượt qua Ấn Độ để trở thành nhà sản xuất tôm lớn nhất thế giới.
Hải Băng
Theo Thebusinessyear