Ngày 17/10/2012, Công ty CP Thủy sản Bình An (Bianfishco) tổ chức Đại hội cổ đông thường niên năm 2012, bầu ban lãnh đạo mới và thông qua đề án tái cấu trúc phát triển.
Hội đồng quản trị mới được bầu của Bianfishco có 5 người, gồm các ông Đỗ Quang Hiển, Nguyễn Văn Lê, Lê Minh Thắng, bà Nguyễn Thị Thùy Phương đều là người của Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) và ông Trần Văn Trí, chồng của nguyên Chủ tịch HĐQT Phạm Thị Diệu Hiền.
HĐQT và Ban Kiểm soát của Bianfishco vừa được bầu ngày 17/10/2012
Thành viên HĐQT Nguyễn Văn Lê, Tổng giám đốc SHB, cho biết: Sau hai tháng kể từ tháng 8/2012, khi SHB chính thức trở thành cổ đông lớn của Bianfishco, các khoản công nợ được thu xếp thỏa đáng với chủ nợ, đặc biệt 50% nợ nông dân cung cấp nguyên liệu đã được trả. Bianfishco đã và đang có những chuyển biến tích cực, trở lại chế biến cá tra fillet đông lạnh mỗi ngày 2 container.
Vượt khủng hoảng nợ
>> Để các ngân hàng quay lại là nỗ lực lớn của Bianfishco với vai trò đầu tàu của ông Trần Văn Trí, phát huy được sức mạnh tổng hợp trong tình thế ngỡ bế tắc hoàn toàn. Đó là thế mạnh của thương hiệu, ưu đãi thuế suất ở thị trường Mỹ, các nhà máy đầu tư chất lượng tốt và đặc biệt là làm cho dư luận hiểu được Bianfishco. |
Nợ của Công ty Bình An làm nóng dư luận những tháng đầu năm 2012, chủ yếu tiền cá, gần 300 tỷ đồng. Cuối tháng 2, khi bà Phạm Thị Diệu Hiền ra nước ngoài chữa bệnh, ông Trần Văn Trí rời công chức về gánh vác việc trả nợ thì tình hình rất rối rắm. Ông Trí xoay xở từ nhiều nguồn, với sự trợ giúp của Ngân hàng TMCP An Bình, trả và giảm được một số nợ, là bước đi mà Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Nguyễn Thanh Sơn đánh giá “giảm được sức nóng”. Ngày 18/4, Công ty Mua bán nợ và Tài sản tồn đọng của doanh nghiệp (DATC – Bộ Tài chính) xuất hiện, có tác động giải tỏa căng thẳng. Đến cuối tháng 6, một số ngân hàng phát tín hiệu quay trở lại thì “chính thức có hướng mở”, nói như Phó chủ tịch UBND TP Cần Thơ Võ Thành Thống.
Tuy nhiên, các ngân hàng quay lại, chưa phải hết ngay khó khăn. Vì nợ của của Bianfishco quá lớn, tính đến ngày 31/8/2012, tổng nợ hơn 1.886 tỷ đồng, lỗ hơn 834 tỷ đồng. Do cung cách quản trị gia đình nên nợ nần rất phức tạp, trách nhiệm của các bộ phận lại không rõ ràng. Tại Đại hội, ông Trần Văn Trí nói, đầu tư cho thương hiệu giá đắt và trách nhiệm của HĐQT kém, nhất là khi gặp khó khăn.
Sáng 25/8, Bianfishco được cấp giấy phép đăng ký kinh doanh mới; trong đó, SHB trở thành cổ đông lớn. Ngày 30/8, SHB đưa 23 cán bộ vào kiểm tra toàn diện để lên phương án chi tiết tái cấu trúc Bianfishco với lịch trả nợ cụ thể, có thể coi là thời điểm Bianfishco chính thức vượt khủng hoảng nợ.
Đề án tái cấu trúc
Gồm hai giai đoạn. Giai đoạn 1, từ tháng 10 đến hết tháng 12/2012, triển khai tái cấu trúc toàn diện các mặt hoạt động của Bianfishco. Trong đó, tái cấu trúc bộ máy: Sau khi bầu HĐQT, Ban Kiểm soát, thay thế Tổng Giám đốc tại Đại hội đồng cổ đông, sẽ cấu trúc lại bộ máy, xây dựng đội ngũ chuyên nghiệp và am hiểu lĩnh vực sản xuất kinh doanh thủy sản. Tái cấu trúc tài chính: Thực hiện kiểm toán lại toàn bộ số liệu tài chính, đối chiếu công nợ để xác định đúng thực trạng tài chính của doanh nghiệp, thu nợ phải thu, đàm phán giải quyết nợ phải trả, lập kế hoạch tăng vốn điều lệ.
Hiện Bianfishco có hai dây chuyền chế biến cá tra xuất khẩu công suất 350 – 400 tấn/ngày – Ảnh: Lê Hoàng Vũ
Trong giai đoạn 1, chú trọng phục hồi sản xuất kinh doanh. Gồm chế biến cá tra fillet, gia công hàng cho Nhật Bản, sản xuất nước uống collagen, cải tạo và khôi phục vùng nuôi trồng, khôi phục văn phòng đại diện tại Mỹ, xây dựng nhà máy chế biến phụ phẩm. Những tháng cuối năm 2012, dự kiến doanh thu hơn 435 tỷ đồng, chủ yếu là xuất khẩu khoảng 300 container vào Mỹ, EU, các nước Hồi giáo.
Giai đoạn 2, từ tháng 1/2013 đến tháng 12/2015 và tầm nhìn đến năm 2020, mục tiêu đưa Bianfishco trở thành tổng công ty thủy sản hàng đầu Việt Nam, thương hiệu Bianfishco trở thành thương hiệu đại diện ngành thủy sản Việt Nam. Tổng công ty hoạt động theo mô hình khép kín: sản xuất thức ăn thủy sản – nuôi trồng – chế biến – xuất khẩu; từ mặt hàng chủ lực là cá tra sẽ có thêm các sản phẩm thủy sản khác. Sau 3 – 5 năm, niêm yết trên thị trường chứng khoán quốc tế, tạo tính minh bạch đáp ứng quyền lợi tối đa cho các cổ đông.
>> Đôi nét về Bianfishco Sau khi SHB trở thành cổ đông lớn của Công ty CP Thủy sản Bình An (Bianfishco), Công ty đã và đang có những chuyển biến tích cực và trở lại hoạt động bình thường với công suất 2 container/ngày. Các khoản công nợ được thu xếp thỏa đáng với các chủ nợ, tính đến 5/10, Bianfishco đã thanh toán được 50% nợ cho các hộ bán cá và theo lịch trình đến 5/12 sẽ trả dứt nợ. Cũng từ 11/10, Công ty bắt đầu tổ chức thu mua cá tra nguyên liệu hơn 60 tấn/ngày với hơn 800 công nhân vào ca làm việc liên tục, một số hộ dân nuôi cá tra trong vùng đã ký hợp đồng cung cấp cá tra nguyên liệu trở lại. Hiện, Công ty có hai dây chuyền chế biến cá tra xuất khẩu công suất 350 – 400 tấn/ngày và hệ thống kho trữ đông 10.000 tấn. Vừa qua, Bianfish ký được hợp đồng xuất khẩu 300 container cá tra fillet sang thị trường Mỹ, thời hạn từ nay đến cuối năm 2012. |