Biện pháp khắc phục tôm bị đường ruột

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Hỏi: Tôm ăn ít, chậm lớn, đường ruột đứt quãng, phân tôm trong sàng không suông, dễ rã, ngắn, màu sắc nhợt nhạt khác với màu phân bình thường. Hỏi nguyên nhân và biện pháp khắc phục?

(Nguyễn Ngọc Anh, xã Tiêu Động, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam)

Trả lời:

Với các triệu chứng trên có thể chẩn đoán tôm bị bệnh đường ruột như phân trắng, đứt khúc, trống ruột… Bệnh gây ảnh hưởng lớn đến thành công của vụ nuôi. Bệnh thường xảy ra vào mùa mưa do khi mưa nhiều, nhóm vi khuẩn Vibrio và ngoại ký sinh có sẵn trong ao tôm cũng sẽ phát triển gây bệnh đường ruột cho tôm. Khi bị bệnh, tôm nuôi sẽ có dấu hiệu giảm ăn rõ rệt, vì thế mà những cá thể này thường chậm lớn hơn đàn. Ngoài ra, khi quan sát sàng sẽ thấy phân tôm không suông, ngắn, dễ phân rã và có màu sắc nhợt nhạt khác thường. Những dấu hiệu bệnh thường gặp như: Tôm tấp bờ, bỏ ăn, đường ruột bị loãng và đứt quãng; Tôm rất sợ tiếng động và ánh sáng; Nếu khi tôm bị nhiễm bệnh mà vẫn tiếp tục cho ăn nhiều thì tôm sẽ chết ngày càng nhiều. Khi tôm bị nhiễm bệnh chỉ cần sau 2 đến 3 ngày là tôm chết. Có nhiều nguyên nhân bệnh đường ruột trên tôm như: Thức ăn; tảo độc; ký sinh trùng đường ruột; vi khuẩn…

Bệnh đường ruột ở tôm hiện nay chưa có phương pháp điều trị hiệu quả nhất do đó cần tiến hành phòng bệnh hiệu quả nhất như sau: Chọn thức ăn chuyên dùng cho tôm, thức ăn phải có đủ các chất dinh dưỡng, thức ăn đúng kích cỡ phù hợp cho từng giai đoạn nuôi, nên điều chỉnh lượng thức ăn phù hợp và không bị dư thừa thức ăn. Thức ăn phải được bảo quản tốt, không nhiễm nấm mốc, độc tố.

Ngăn ngừa sự phát triển của các loại vi khuẩn gây hại bằng cách kết hợp sử dụng các loại chế phẩm vi sinh định kỳ để phân hủy hữu cơ và thức ăn dư thừa trong ao. Trong quá trình nuôi cần bổ sung thường xuyên men tiêu hóa có lợi cho đường ruột của tôm. Bổ sung thêm Vitamin C để tăng sức đề kháng cho tôm, ngăn chặn các tác nhân gây bệnh. Trong trường hợp nước ao ô nhiễm, nên thay dần bằng loại nước đã qua xử lý (1 lần thay khoảng 30% nước ao để tôm có thời gian thích nghi dần). Khi thấy tôm có các biểu hiện của bệnh thì giảm thức ăn còn 70%. Sử dụng EM tỏi để phòng bệnh đường ruột cho tôm bằng cách lấy trộn 1 lít EM tỏi vào 10 kg thức ăn, ủ khoảng 30 – 60 phút trước khi cho ăn, để EM tỏi thấm đều thức ăn. Định kỳ 7 – 10 ngày bổ sung EM vào thức ăn/ngày. Trường hợp tôm bị bệnh đường ruột có thể sử dụng liều lượng gấp đôi, cho ăn liên tục 7 – 10 ngày.

Ban KHKT

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!