Biện pháp phòng bệnh cho tôm

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Hỏi: Xin cho biết một số dấu hiệu nhận biết sớm bệnh ở tôm?

(Đinh Văn Quang, xã Trung Kim, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình)

Trả lời:

Ao nuôi: Để quản lý tốt sức khỏe tôm nuôi, cần tiến hành quan sát những dấu hiệu trong ao nuôi. Nếu thấy tôm có hiện tượng tấp mé, nổi đầu, chim bắt mồi là những dấu hiệu cho thấy ao tôm đang thiếu ôxy, chất lượng nước xấu hoặc tôm đang nhiễm bệnh. Nếu kiểm tra thấy hàm lượng ôxy và các chỉ tiêu môi trường như NH3, H2S, NO2, pH, ôxy… vẫn trong giới hạn cho phép thì nên lấy mẫu tôm để kiểm tra sự hiện diện của bệnh nguy hiểm.

Thức ăn thừa: Người nuôi cần thường xuyên theo dõi kiểm tra sàng cho tôm ăn. Nếu lượng thức ăn tôm quá nhiều hoặc quá ít thì cần phải tìm hiểu kỹ nguyên nhân, từ đó điều chỉnh lượng thức ăn phù hợp, tránh để thức ăn thừa làm ô nhiễm môi trường. Thông qua sàng ăn có thể đánh giá được tình trạng phân, nếu phân tôm dài, không bị đứt đoạn là tôm sinh trưởng, phát triển tốt.

Ngoại hình thay đổi: Có thể nhận biết một số bệnh trên tôm thông qua các đặc điểm về ngoại hình. Nếu màu sắc thân tôm, mang và phụ bộ thay đổi bất thường, tôm bị cong thân, đục cơ, mềm vỏ (ngoài giai đoạn lột xác), phồng rộp là một trong những biểu hiện đặc trưng của tôm bị nhiễm bệnh.

Đường ruột: Thông qua lượng thức ăn trong ruột tôm để đánh giá tình trạng sức khỏe tôm. Nếu thức ăn trong ruột đầy, chứng tỏ tôm phát triển tốt; nếu đường ruột ngắn, bị đứt đoạn cho thấy tôm trong ao đang có dấu hiệu nhiễm bệnh hoặc lượng thức ăn không đủ theo nhu cầu của tôm. Màu sắc đường ruột cũng đánh giá được sức khỏe của tôm nuôi. Thông thường tôm khỏe, tiêu hóa thức ăn tốt, đường ruột có màu thức ăn của thức ăn công nghiệp thường là màu vàng nhạt hoặc vàng sáng. Nếu đường ruột tôm có màu đỏ, hồng là màu của xác chết tôm, chứng tỏ trong ao nuôi có tôm mang bệnh. Đường ruột của tôm có màu tái hay trắng đục là khi đường ruột của tôm bị rỗng, không có thức ăn. Dấu hiệu này cho thấy tôm đang nhiễm bệnh, cần tìm hiểu rõ nguyên nhân gây bệnh.

Hỏi: Trong nuôi tôm, nguồn thức ăn dư thừa là nguyên nhân làm ô nhiễm môi trường ao nuôi, xuất hiện mầm bệnh. Xin hỏi cách xử lý hiệu quả?

(Phạm Trọng Mạnh, xã Tân Hải, huyện La Gi, tỉnh Bình Thuận)

Trả lời:

Để hạn chế thức ăn dư thừa trong ao nuôi theo hình thức công nghiệp, người nuôi cần tính toán chính xác tỷ lệ sống của tôm nhằm điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp. Chọn loại thức ăn chất lượng tốt, độ tan rã trong nước ít và sử dụng hợp lý, tránh thừa thức ăn. Cho ăn đúng kỹ thuật, đúng và đủ số lượng, chất lượng. Ngoài ra, người nuôi cần tuân thủ việc thực hành nghề nuôi đảm bảo an toàn và khoa học mới có thể giúp cho ao nuôi phát triển hiệu quả, mang lại năng suất và thành công cho vụ nuôi. Đặc biệt từ tháng thứ hai trở đi, lượng bùn đáy chất thải trong ao bắt đầu tăng nhanh do lượng thức ăn tăng. Giai đoạn này, việc quản lý chất thải bùn đáy chính là quản lý tốt thức ăn và chất lượng nước. Các biện pháp xử lý chất thải trong ao nuôi tôm là thay nước đáy hoặc dùng hệ thống thoát nước trung tâm, hoặc dùng máy hút bùn ra khỏi ao. Trong đó, giải pháp hút bùn ra khỏi ao nuôi mang lại hiệu quả khá cao nhưng cũng có thể gây nguy hại cho tôm tùy thuộc vào kỹ thuật hút bùn và điều kiện từng ao nuôi. Một lưu ý quan trọng là chỉ hút chất thải khi thật sự cần thiết, nên tiến hành hút bùn vào buổi sáng hàng ngày và mỗi đợt hút bùn kéo dài khoảng 5 – 7 ngày. Khi hút bùn cần thải vào các vị trí không gây ảnh hưởng cho những người nuôi tôm xung quanh. Cần tăng hàm lượng ôxy hòa tan bằng hệ thống quạt nước hoặc sục khí để giảm tác hại của bùn đáy. 

Ban KHKT

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!