(TSVN) – Cá tai tượng (Osphronemus Gouramy Lacepede) là một trong những đối tượng nuôi triển vọng hiện nay tại nhiều địa phương, mở ra hướng sản xuất mới, hiệu quả cao.
Hiện nay phong trào nuôi cá tai tượng (Osphronemus gouramy) phát triển song song với phát triển kinh tế vườn vì đây là loài cá khi trưởng thành ăn được rau xanh, phế phẩm nông nghiệp, giúp người dân tăng thêm thu nhập đáng kể trên một đơn vị diện tích. Nhưng từ khi bắt đầu nuôi thâm canh như nuôi cá thịt, sản xuất cá giống thì lại xuất hiện nhiều loại bệnh; trong đó có 3 nhóm đối tượng gây bệnh chủ yếu là nấm, ký sinh trùng và vi khuẩn.
Những nhóm đối tượng gây bệnh thường gặp là nhóm ký sinh trùng do trùng bánh xe, trùng quả dưa, giun sán ký sinh, thích bào tử trùng… Trong các loại ký sinh đó, thích bào tử trùng là đối tượng gây thiệt hại nặng nề nhất làm cho người nuôi lo lắng. Các loại bệnh ký sinh thông thường trừ bệnh do thích bào tử trùng gây ra, khi cá có bệnh có thể dùng các loại thuốc như lá giác, lá xoan, CuSO4, Formol, muối ăn… là có thể trị khỏi (tỷ lệ hao hụt thấp khoảng 10 – 15%). Riêng bệnh do thích bào tử trùng (dân gian gọi là sùi bọt cua) thì rất nghiêm trọng có thể làm cá chết, mức độ cá chết tăng dần có khi tỷ lệ tới 70 – 90%, do lúc đó cá bị bệnh kết hợp với nhiễm khuẩn vì sức đề kháng của cá giảm.
Cá bị bệnh này không có thời điểm rõ ràng, có thể xảy ra quanh năm, có thể gây bệnh từ cá bố mẹ đến cá giống cá thịt, nhưng thường xảy ra ở ao nuôi nhiều vụ liên tục, nuôi mật độ thâm canh cao, trong vùng có nhiều hộ nuôi tập trung và việc xử lý cá bệnh không đúng cách như còn vứt xác bừa bãi, xả thải nước ao cá bệnh ra ngoài môi trường… làm lây lan mầm bệnh. Gây thiệt hại lớn ở những hộ sản xuất cá giống hay những hộ nuôi cá thịt đạt trọng lượng 0,3 kg trở lên.
Bệnh do thích bào tử trùng: Cá thường bỏ ăn, bơi lờ đờ cặp mé khó thở cuối cùng là đen mình, xen kẽ có những mảng trắng xám trên thân, mang cá bị tổn thương… Sau đó cá từ từ chết.
– Mầm bệnh có từ những vụ nuôi trước;
– Do vật chủ trung gian truyền bệnh như chim, cò mang cá bệnh từ ao khác đến… Sử dụng chung dụng cụ đánh bắt, thu hoạch;
– Sử dụng nguồn nước cấp bị ô nhiễm chất hữu cơ hoặc có mầm bệnh (thường là do kênh cấp nước bị tù dòng chảy yếu);
– Do nuôi mật độ quá dày nhất là những ao ương giống mật độ quá cao 200 con/m2, ao nuôi thịt mật độ > 6 con/m2. Số hộ nuôi liền kề tập trung quá nhiều.
– Chọn con giống có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, không nhiễm bệnh;
– Cải tạo ao phải thật kỹ, nhất là những ao cũ. Chú trọng khâu phơi ao 5 – 7 ngày và bón vôi 3 – 7 kg/100 m2.
– Cần có ao lắng xử lý nước trước khi cấp vào ao nuôi (chiếm 1/4 hệ thống nuôi);
– Thả nuôi mật độ vừa phải không quá dày (cá bột: 100 – 120 con/m2, cá thịt 3 – 5 con/m2);
– Quá trình nuôi phải tăng sức đề kháng cho cá như Vitamin C;
– Nên sử dụng chế phẩm sinh học để hạn chế thay nước, nếu cấp nước từ ao lắng có xử lý thuốc sát khuẩn… Không sử dụng dụng cụ đánh bắt có mầm bệnh. Chôn xác cá bệnh chết có xử lý vôi…;
– Nếu vụ trước cá có bệnh thì phải ngừng nuôi ít nhất 6 tháng vì giai đoạn bào tử có thể sống trong nước và đất khoảng 6 tháng, có thể cắt vụ chuyển nuôi đối tượng khác như rô phi, điêu hồng, chép…
Cần lưu ý bệnh này hiện tại không có thuốc trị, chỉ có biện pháp phòng ngừa là chính và tăng cường sức đề kháng cho cá nuôi…
KS Đặng Tấn Bá