Cứ triều xuống, hàng trăm phụ nữ ở các thôn quanh cồn Xà Lãng (phần lớn diện tích thuộc xã Mỹ Chánh, huyện Phù Mỹ) lại kéo ra bắt phi (còn gọi là phễn). Và con số này đang ngày càng tăng…
Ông Lê Minh Sơn, cán bộ Khuyến ngư xã Mỹ Chánh, ước tính, mỗi ngày có hàng trăm phụ nữ ở các thôn An Xuyên 1, An Xuyên 2, An Xuyên 3, thôn Trung Xuân, thôn Lương Thái (xã Mỹ Chánh), thôn Xuân Bình (xã Mỹ Thành) và thôn An Mỹ (xã Mỹ Cát), tranh thủ lúc nông nhàn tập trung về cồn Xà Lãng thuộc đầm Đề Gi để bắt phi.
Triều xuống, hàng trăm phụ nữ tập trung về cồn Xà Lãng bắt phi.
Dụng cụ để bắt phi khá đơn giản, chỉ là chiếc ca nhựa hay xô đựng phễn, một cái rổ xảo tre hay nhựa. Bắt phi trên khô cần thêm hai chiếc muỗng lớn, còn bắt ở dưới nước cần thêm cây cuốc. Họ dùng cuốc hay muỗng cào phi nằm trên mặt cát dưới lòng sông vào rổ. Sau đó, họ vừa lắc vừa sàng cho đất cát rơi xuống lòng sông, trên rổ chỉ còn lại những con phi hình hột xoài, hai vỏ cứng màu xám tím.
Dùng cuốc để đào
Cô Nhơn (ở thôn An Xuyên 3) chia sẻ: “Nhà tui ở sát cồn Xà Lãng, nên mỗi sáng tôi đều tranh thủ chạy ra bắt phi. Bắt khoảng 3-4 tiếng được trung bình 3- 4kg, gọi là phụ thêm tiền mua mắm rau với nghề nuôi tôm của gia đình”.
Với chị Nguyễn Thị Tuyền (33 tuổi, ở thôn An Xuyên 3), bắt phi lại là nghề chính. Chị nói: “Cứ siêng thì ngày ít cũng bắt được 4 – 5 kg phi, dư tiền chợ”.
Xảo nước cho đất cát rơi xuống nước, chỉ còn phi trên rổ
Còn chị Nguyễn Thị Liên (30 tuổi, ở thôn An Xuyên 3), đã theo mẹ đi bắt phi từ năm 12 – 13 tuổi, thường bắt phi trên những mô cát nhô lên, mỗi ngày bán thu được từ vài chục ngàn đến cả trăm ngàn đồng.“Cái nghề không đầu tư nhiều, chỉ tốn công, mỗi ngày thu nhập tính ra bằng mấy chục ký lúa. Vấn đề là phải chịu khó” – chị nói.
Chị Liễu, chị Vân – hai trong số các thương lái thu gom phi ở thôn An Xuyên 1 – cho biết: Mỗi người bắt phi bình quân một buổi sáng bắt được 5 kg, có ngày 9 – 10 kg. Với giá như hiện nay, bình quân 20 ngàn đồng/kg phi, tính ra thu nhập của họ cả trăm ngàn đồng mỗi người”.
Chở phi đi bán
Còn chị Vân, đã gần chục năm mua bán phi cho đầu mối lớn ở Tuy Hòa, thì cho biết, mỗi sáng chị gom mua khoảng 300 – 400 kg phi, có ngày đến hơn nửa tấn. “Có 2 – 3 người thu gom như tôi. Tính ra, có ngày bà con quanh đây bắt được cả tấn phi, thu hàng chục triệu đồng. Mà phi lại có quanh năm, tiêu thụ cũng ổn. Những năm gần đây, tôm hùm xuất khẩu mạnh, giá phi do vậy có tăng nên người bắt phi rất phấn khởi”.
Phi thường được bán làm thức ăn cho tôm hùm nuôi. Tuy nhiên, việc lạm dụng bắt phi được các nhà chuyên môn khuyến cáo sẽ phần nào gây ảnh hưởng đến môi trường sinh thái.