Bình Định: Các doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu: Nhiều khó khăn, thách thức

Chưa có đánh giá về bài viết

Thời gian qua, trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, hoạt động của các doanh nghiệp (DN) chế biến thủy sản xuất khẩu (CBTSXK) trên địa bàn tỉnh gặp nhiều thách thức. Mới đây, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) lại ra phán quyết về mức thuế chống trợ cấp sản phẩm nước ấm đông lạnh nhập khẩu từ 7 nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Đây sẽ là thách thức không nhỏ đối với các DN CBTSXK ở Bình Định.

 

Sơ chế cá ngừ đại dương ở khu dịch vụ hậu cần nghề cá Tam Quan Bắc – Hoài Nhơn. Ảnh: Nguyễn Hân

Theo thống kê của Sở Công Thương Bình Định, trong tháng 5/2013, giá trị kim ngạch xuất khẩu (KNXK) toàn tỉnh ước thực hiện 42 triệu USD, tăng gần 11% so với cùng kỳ năm 2012. Lũy kế 5 tháng đầu năm 2013, giá trị KNXK toàn tỉnh ước thực hiện 251,2 triệu USD, đạt gần 45% kế hoạch năm và tăng gần 14% so với cùng kỳ năm 2012. Tuy nhiên, trong khi KNXK một số mặt hàng tăng khá, thì KNXK thủy sản giảm mạnh.

KNXK thủy sản giảm

Trong tháng 5/2013, giá trị KNXK thủy sản ước thực hiện khoảng 4 triệu USD, giảm 25,3% so với tháng 5/2012. Trong đó, sụt giảm nhiều nhất là hải sản đông (số lượng giảm 20,2%, giá trị giảm gần 23%); tôm đông lạnh (số lượng giảm gần 30%, giá trị giảm 29,3%). Riêng đối với cá ngừ đại dương, mặc dù sản lượng khai thác tăng khá, song giá bán ngày càng thấp (dao động từ 50.000 – 55.000 đồng/kg, giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2012).

Công ty CP Thủy sản Hoài Nhơn là một trong những DN CBTSXK mạnh trên địa bàn tỉnh, song theo thống kê của ngành chức năng, từ đầu năm đến nay, giá trị KNXK của doanh nghiệp này chỉ thực hiện khoảng 857 ngàn USD, gần bằng 33% so với cùng kỳ năm 2012. Lý giải về sự giảm sút này, ông Huỳnh Trọng Thiện, thành viên HĐQT  Công ty CP Thủy sản Hoài Nhơn, cho biết: Có nhiều nguyên nhân, chủ yếu là do nguồn nguyên liệu đầu vào giảm sút, nhất là đối với tôm, trong khi đó giá XK không tăng. Không chỉ sản lượng tôm trên địa bàn giảm sút (chỉ bằng 30% so với năm 2012), mà chất lượng tôm cũng giảm sút so với tôm của Thái Lan, Indonesia.

Thời gian qua, trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế và ngành CBTSXK nói riêng, song các DN CBTSXK trên địa bàn đã có nhiều nỗ lực trong hoạt động sản xuất,  kinh doanh. Tuy nhiên, các DN liên tục phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức: bên cạnh việc thiếu vốn, trong khi chi phí đầu vào liên tục tăng, nhu cầu tại thị trường châu Âu (EU) thấp, còn là những rào cản kỹ thuật do các nước nhập khẩu áp đặt. Những khó khăn và các rào cản kỹ thuật đã tác động không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN CBTSXK.

Đáng lưu ý, ngày 29/5 vừa qua, DOC đã chính thức công bố phán quyết sơ bộ mức thuế chống trợ cấp sản phẩm nước ấm đông lạnh nhập khẩu từ 7 nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam.  Theo phán quyết sơ bộ này, sản phẩm tôm XK của các DN CBTSXK Việt Nam sẽ bị áp mức thuế 6,07%. Đây là mức thuế rất cao đánh vào sản phẩm tôm đông lạnh Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ từ trước tới nay.

Giải pháp nào?

Theo Hiệp hội Thủy sản Việt Nam (VASEP), trong thời gian tới, hoạt động của các DN CBTSXK tiếp tục đối diện với nhiều khó khăn, thách thức. Sẽ có thêm một số diện tích vùng nguyên liệu bị thu hẹp và một số DN thiếu vốn sản xuất kinh doanh. Thị trường XK thủy sản của Việt Nam bị thu hẹp; giá trị XK thủy sản bị sụt giảm ở nhiều thị trường, cùng với khó khăn về nguyên liệu, rào cản kỹ thuật, sẽ là thách thức không nhỏ đối với các DN CBTSXK Việt Nam.

Theo ông Bành Quang Hạ, Giám đốc Công ty CP Đông lạnh Quy Nhơn, phán quyết của DOC sẽ gây thiệt hại rất lớn cho các DN nuôi, chế biến và XK tôm của Việt Nam, trong đó có Bình Định. Vì vậy, VASEP đã lên tiếng phản đối phán quyết của DOC.

Theo Sở Công Thương, trong tháng 6.2013, dự kiến giá trị KNXK thủy sản trên địa bàn tỉnh khoảng 4 triệu USD, tăng khoảng 1,9% so với cùng kỳ năm 2012. Mặc dù dự kiến mức tăng trưởng giá trị KNXK nói trên rất “khiêm tốn” song để đạt được cũng không hề đơn giản. Vì vậy, để có thể vượt qua khó khăn, thách thức, các DN CBTSXK trên địa bàn tỉnh cần triển khai đồng bộ các vấn đề, như chủ động nguồn nguyên liệu, cải tiến công nghệ theo hướng hiện đại hóa, đa dạng hóa sản phẩm, tìm kiếm, mở rộng thị trường XK…

Đối với Sở Công Thương, với chức năng của mình, Sở đã kiến nghị các bộ, ngành Trung ương một số vấn đề trọng tâm, như: Đề nghị các ngân hàng thương mại tiếp tục xem xét tăng hạn mức và thời hạn cho vay theo chu kỳ sản xuất từng loại sản phẩm; đề nghị các bộ, ngành quan tâm đến việc thông tin về một số nước nhập khẩu áp dụng các rào cản kỹ thuật, các quy định cũng như các đạo luật áp dụng đối với một số ngành hàng, mặt hàng. Sở Công Thương cũng tiếp tục quan hệ với các Thương vụ thị trường ngoài nước hỗ trợ dự báo thị trường, phổ biến kịp thời thông tin thị trường thế giới, nhất là đối với các thị trường và mặt hàng XK trọng điểm; thông tin về việc thay đổi chính sách áp dụng các biện pháp bảo hộ…

Ngành Công Thương tỉnh xác định CBTSXK vẫn là một trong những lĩnh vực mũi nhọn hàng đầu của tỉnh. Vì vậy, từ nay đến năm 2020, bên cạnh việc tạo điều kiện phát huy tối đa công suất của các nhà máy hiện có, tỉnh sẽ kêu gọi đầu tư xây dựng mới một số nhà máy CBTSXK ở Phù Cát, Hoài Nhơn và Quy Nhơn.

Viết Hiền

Báo Bình Định

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!