Tháng 4.2024, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định 37/2024/NĐ-CP (Nghị định 37) sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 26/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản. Nghị định 37, có hiệu lực từ ngày 19.5.2024, đã sửa đổi, bổ sung một số nội dung liên quan đến việc đăng ký nuôi trồng thủy sản lồng bè, đối tượng thủy sản nuôi chủ lực theo hướng quy định cụ thể, rõ ràng hơn, tháo gỡ một số vướng mắc, tạo thuận lợi cho việc đăng ký và cấp giấy xác nhận.
Nghị định 37 bổ sung hình thức nuôi trồng thủy sản lồng bè phải đăng ký và đơn giản hóa một số thủ tục hành chính. Cụ thể, hình thức nuôi trồng thủy sản gồm có: Nuôi trồng bằng lồng, giàn treo, đăng quầng trên bãi triều, trên biển, sông, hồ và đầm phá tự nhiên. Thủ tục đăng ký từ ngày 19.5.2024 chỉ còn: Đơn đăng ký theo mẫu quy định và sơ đồ mặt bằng vị trí ao/lồng nuôi có xác nhận của chủ cơ sở. Nếu cấp lại thì cần thêm bản chính giấy xác nhận đăng ký đã được cấp (trừ trường hợp bị mất).
Từ tháng 5.2024 đến nay, một số địa phương đã quan tâm, tăng cường tuyên truyền và phối hợp chặt chẽ với Chi cục Thủy sản để hướng dẫn, hỗ trợ người dân đăng ký cấp giấy xác nhận.
Tất cả các cơ sở nuôi trồng thủy sản lồng bè đủ điều kiện phải đăng ký để được cấp giấy xác nhận. Ảnh: N.T
Huyện Tuy Phước là một trong những địa phương sớm hoàn thành việc này vào tháng 7.2024 khi cấp 106 giấy xác nhận nuôi thủy sản lồng/bè, đối tượng thủy sản nuôi chủ lực, đạt tỷ lệ 100%. Ông Phạm Quang Ân, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Tuy Phước, cho biết, điểm nghẽn của huyện trước đây là quy định chủ cơ sở phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhưng một số cơ sở đã sử dụng giấy này thế chấp ngân hàng vay vốn sản xuất hoặc giấy đã hết hạn sử dụng đất hoặc chủ cơ sở không phải chủ sở hữu đất. Sau khi Nghị định 37 ra đời, bãi bỏ quy định này, giúp khơi thông điểm nghẽn, Phòng NN&PTNT huyện phối hợp với Chi cục Thủy sản, UBND các xã tăng cường tuyên truyền, vận động và hướng dẫn tất cả cơ sở nuôi đăng ký làm giấy xác nhận.
Qua rà soát mới đây của Chi cục Thủy sản, tỷ lệ cơ sở nuôi trồng thủy sản có giấy xác nhận ở một số địa phương chưa cao, do chưa cập nhật việc một phần hồ sơ đăng ký được bỏ để đơn giản hóa thủ tục đăng ký. Một nguyên nhân khác là chủ cơ sở nuôi không nhận thức được tầm quan trọng của giấy xác nhận đối tượng thủy sản nuôi chủ lực nên không đăng ký với cơ quan quản lý để được cấp giấy.
Theo ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản, các cơ sở nuôi trồng thủy sản lồng bè, đối tượng thủy sản nuôi chủ lực đủ điều kiện phải đăng ký cấp giấy xác nhận. Cơ sở nào không có giấy xác nhận thì sẽ không được cấp mã cơ sở nuôi. Việc cấp mã số cho cơ sở nuôi trồng thủy sản phục vụ cho việc truy xuất nguồn gốc. Qua đó, tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước, nâng cao giá trị sản phẩm và đáp ứng yêu cầu về xuất khẩu.
Ông Nghĩa đề nghị: Các địa phương, đặc biệt cấp xã tiếp tục phối hợp với Chi cục tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn cho chủ cơ sở nuôi làm hồ sơ đăng ký cấp giấy xác nhận. Những trường hợp đủ điều kiện mà không làm, thời gian tới sẽ bị kiểm tra, xử phạt theo quy định của pháp luật.
Ngọc Tú
Nguồn: Báo Bình ĐỊnh