T2, 06/07/2020 10:36

Bình Định: Chủ động phương án bảo vệ ngư dân

Chưa có đánh giá về bài viết

Khai thác thủy sản trên biển mùa mưa bão luôn phải đối phó nhiều nguy cơ, đe dọa trực tiếp sinh mạng và tài sản của ngư dân. Ngành nông nghiệp tỉnh Bình Định triển khai khá bài bản các phương án phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn (PCLB – TKCN) trên biển năm 2013.

Hiểm nguy mùa bão lũ

Tỉnh Bình Định hiện có hơn 7.580 tàu cá; trong đó có 2.500 tàu đánh bắt xa bờ công suất 90CV trở lên, số tàu nhỏ chiếm 66%. Tổng số lao động làm việc trên các tàu cá khoảng 50.000 người, tham gia đánh bắt tại hầu hết các ngư trường trong cả nước. Điều đáng lo ngại là nhiều tàu cá đã cũ kỹ; máy móc, thiết bị lạc hậu; hệ thống thông tin liên lạc không đầy đủ, kém khả năng chịu đựng gió bão, dễ xảy ra tai nạn khi hoạt động đánh bắt trong mùa mưa bão.

Cùng với đội tàu cũ kỹ trên, hệ thống cơ sở hạ tầng, các bến bãi neo đậu tàu thuyền ở tỉnh còn thiếu và chưa được đầu tư đúng mức; sự phối hợp giữa các ngành chức năng trong tỉnh với ngư dân trong hoạt động PCLB – TKCN trên biển chưa chặt chẽ, khi xảy ra sự cố rất khó ứng cứu.

Tàu cá neo đậu tại cảng cá Tam Quan

Năng lực PCLB – TKCN trên biển của tỉnh Bình Định hiện chưa đáp ứng được yêu cầu, thiếu phương tiện cứu nạn, cứu hộ trên biển. Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Định là đơn vị đảm nhận chính công tác TKCN trên biển, nhưng chỉ có 3 tàu để thực hiện nhiệm vụ này, trong đó tàu lớn nhất chỉ chịu được sức gió cấp 6 trở xuống. Ngành thủy sản Bình Định cũng chỉ có 1 tàu kiểm ngư chịu được sức gió cấp 5, cấp 6. Thực tế những năm qua nhiều tàu cá ở Bình Định khi bị nạn ngư dân phải tự cứu nhau hoặc nhờ đơn vị khác hỗ trợ.

 

Chủ động phương án PCLB – TKCN

Hiện nay, hệ thống thông tin liên lạc giữa Ban chỉ huy PCLB – TKCN chuyên ngành thủy sản Bình Định đã kết nối với các địa phương, các chủ tàu, các đài thông tin duyên hải, các lực lượng TKCN của tỉnh và Trung ương. Khi có thông tin bão, áp thấp nhiệt đới, lực lượng làm công tác PCLB – TKCN chuyên ngành thủy sản sẽ trực 24/24 giờ trong suốt thời gian cơn bão xảy ra để theo dõi các bản tin thời tiết, kịp thời thông báo và hướng dẫn ngư dân các biện pháp phòng tránh, cũng như các biện pháp cứu nạn; phối hợp với các lực lượng chức năng thông tin cho ngư dân biết và chủ động phòng tránh.

Bà Mai Kim Thi, Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và Bảo vệ Nguồn lợi Thủy sản Bình Định cho biết: Ngành nông nghiệp tỉnh đã tiếp nhận 178 thiết bị công nghệ Movimar hỗ trợ cho các tổ đội đoàn kết đánh bắt xa bờ. Công nghệ kết nối vệ tinh Movimar sẽ giúp ngành chức năng nắm bắt thông tin chính xác hoạt động của tàu cá trên biển; giúp ngư dân tiếp nhận tin dự báo thời tiết nhanh, kịp thời, chính xác; hỗ trợ định vị chính xác ngư trường khai thác, tiết kiệm nhiên liệu…

Ngoài ra, từ nguồn vốn hỗ trợ nhiên liệu cho ngư dân khai thác xa bờ theo Quyết định 48 của Thủ tướng Chính phủ, ngành thủy sản Bình Định đã hỗ trợ 1.200 máy HF tầm xa cho các tàu đánh bắt xa bờ. Sở NN&PTNT tỉnh cũng đã đầu tư 450 triệu đồng để tăng thêm 1 trạm bờ thông tin liên lạc trên địa bàn xã Tam Quan Nam (huyện Hoài Nhơn), nhằm hỗ trợ thông tin về vị trí, tọa độ đánh bắt trên biển, hỗ trợ di chuyển ngư trường và phòng chống lụt bão cho ngư dân phía Bắc tỉnh…

>> Lực lượng, phương tiện huy động phục vụ PCLB – TKCN chuyên ngành thủy sản Bình Định năm 2013 gồm: Bộ phận thường trực tại 110 – Trần Hưng Đạo, TP Quy Nhơn; điện thoại: 056 389 1112 – 056 389 2558; fax: 056 389 2812. Hệ thống thông tin liên lạc tàu cá: tần số 7903 KHz, hô hiệu “Bình Định cứu nạn”. Bộ phận an toàn tàu cá trực tại 110 – Trần Hưng Đạo, TP Quy Nhơn; điện thoại: 056 389 2902. Bộ phận xung kích PCLB – TKCN trực tại 1 – Hàm Tử, TP Quy Nhơn; điện thoại: 056 389 1159. Bộ phận đảm bảo hậu cần, điện thoại: 056 389 1011.

Hoàng Nguyên

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!