Sản lượng thủy sản khai thác đạt khá, giá sản phẩm ổn định ở mức cao, nên sau khi vào cập bến bán sản phẩm, hàng ngàn ngư dân đã sắm “tổn” mở chuyến biển mới và cùng đón Tết trên biển.
Cảng cá Quy Nhơn ngày 19/1/2017 tấp nập tàu cá ra vào, người bán, kẻ mua sản phẩm thủy sản nhộn nhịp, không khí lao động khẩn trương. Ông Võ Thế Cường, xã Hoài Hải (Hoài Nhơn) chủ tàu cá BĐ 96728 TS công suất 460 CV, gạt mồ hôi trên khuôn mặt rám nắng, nói với chúng tôi: “Thời điểm này, nước biển mát, cá ngừ xuất hiện nhiều, mở biển chắc chắn sẽ hiệu quả, nên cả chủ và bạn tàu đều quyết tâm mở chuyến biển mới. Hiện tôi đã sắm “tổn” xong, đến giờ tốt là xuất bến, thẳng tiến đến khu vực biển thuộc quần đảo Hoàng Sa để khai thác cá ngừ đại dương. Năm nay, tôi cùng với các bạn tàu sẽ đón Tết cổ truyền trên biển. Quan sát tại Trạm bờ Quy Nhơn, chúng tôi thấy có nhiều tàu cá của ngư dân Bình Định đang hoạt động ở khu vực Hoàng Sa và vùng biển giữa quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Trên các vùng biển xa, ngư dân liên tục nhắn tin về Trạm bờ thông báo tọa độ và hoạt động khai thác hải sản trên biển. Chỉ tay về những ngôi sao vàng ở khu vực biển Hoàng Sa xuất hiện trên màn hình máy vi tính, ông Đào Nhật Thủy, nhân viên Trạm bờ Quy Nhơn trực thuộc Sở NN&PTNT Bình Định, cho biết: Mỗi tàu cá là một ngôi sao vàng. Khi hệ thống thông tin liên lạc trên tàu cá ngư dân “kết nối” với Trạm bờ, ngôi sao xuất hiện. Từ ngày 16 – 19/1, có 463 tàu cá Bình Định ra khơi hành nghề câu cá ngừ đại dương. Trên các vùng biển đã liên lạc về Trạm bờ, chúng tôi biết được tọa độ, hướng tàu cá di chuyển và tình hình khai thác trên biển”.
Tàu cá của ngư dân Võ Thế Cường, ở xã Hoài Hải (Hoài Nhơn, Bình Định) xuất bến tại cảng cá Quy Nhơn thẳng tiến ra vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa để khai thác cá ngừ đại dương
Thông qua hệ thống Icom, chúng tôi đã kết nối với ngư dân Nguyễn Lẫy, ở xã Tam Quan Bắc (Hoài Nhơn), chủ tàu kiêm thuyền trưởng tàu cá BĐ 96010 TS. Ông Lẫy cho biết: Tàu cá của tôi xuất bến ngày 17/1/2017 mang theo đủ các loại bánh trái và nước uống mang hương vị Tết cổ truyền. Hiện tàu cá đang ở tọa độ 150,35N – 112020E thuộc vùng biển Hoàng Sa; thời tiết trên biển rất đẹp, 5 thuyền viên trên tàu đang chuẩn bị buông câu, dự kiến khoảng 15 ngày sau sẽ vào bờ. Tại tọa độ 15035N – 112019E thuộc vùng biển Hoàng Sa, ngư dân Nguyễn Dênh cùng ở xã Tam Quan Bắc, chủ tàu kiêm thuyền trưởng tàu cá BĐ 96156 TS khoe với chúng tôi: Tàu “trúng” luồng cá ngừ, anh em đang nỗ lực câu. Tàu đầy cá chúng tôi sẽ vào bờ và tổ chức “hậu” Tết Nguyên đán hoành tráng.
Tại cảng cá Tam Quan xã Tam Quan Bắc, hàng trăm tàu cá của ngư dân cũng đã xuất bến vươn khơi bám biển. Ông Nguyễn Chí Công, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Nhơn, cho hay: Toàn huyện có 450 tàu cá của ngư dân các xã ven biển với khoảng 3.150 lao động đã xuất bến để vươn khơi bám biển trong dịp Tết cổ truyền năm 2017. Qua theo dõi, hầu hết tàu cá của ngư dân đều an toàn, nhiều tàu cá đã có sản phẩm, dự kiến sau15 – 20 ngày nữa tàu cá của ngư dân sẽ vào bờ.
Theo Sở NN&PTNT Bình Định, năm 2016, nhờ thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ thủy sản của Chính phủ, nhiều ngư dân đã đóng tàu mới, mua trang thiết bị, ngư lưới cụ phục vụ khai thác thủy sản trên những vùng biển xa. Sản lượng cá ngừ khai thác đạt khá, giá sản phẩm ổn định ở mức cao (98.000 – 100.000 đồng/kg), nên phần lớn ngư dân có lãi. Sau khi bán sản phẩm, có khoảng 954 tàu cá với 9.552 ngư dân đã sắm “tổn”, tiếp tục mở chuyển mới và cùng ăn Tết trên biển. Các tàu cá của ngư dân chủ yếu hành nghề câu cá ngừ đại dương, vây cá ngừ, vây ánh sáng, mành chụp hoạt động trên vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa, khu vực biển giữa Trường Sa và Hoàng Sa. Phần lớn các ngư dân vươn khơi theo từng tổ đội. Phương án này giúp ngư dân tăng hiệu quả sản xuất, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Hiện ngành nông nghiệp Bình Định cùng với chính quyền các huyện, thành phố ven biển trong tỉnh đã và đang tổ chức nhiều đoàn công tác về các địa phương ven biển tăng cường tuyên truyền, động viên ngư dân tranh thủ ra khơi khai thác trong dịp Tết cổ truyền nhằm đảm bảo nguồn thu cho ngư dân, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Sở NN&PTNT cũng đã chỉ đạo đơn vị trực thuộc cử cán bộ trực 24/24 giờ tại các Trạm bờ, liên lạc và thông tin qua lại với ngư dân, hỗ trợ ngư dân xử lý các tình huống có thể xảy ra trên biển.
Nhân viên Trạm bờ Quy Nhơn liên lạc với các tàu cá ngư dân đang khai thác thủy sản và đón Tết cổ truyền trên biển.
Ông Trần Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Bình Định, cho biết: Để ngư dân có điều kiện vươn khơi bám biển, tăng hiệu quả sản xuất, chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các chính sách phát triển thủy sản theo Quyết định 48/2010, Nghị định 67/2014 và Nghị định 89/2015 của Chính phủ. Bên cạnh đó, Sở NN&PTNT sẽ xây dựng và công bố các mẫu tàu vỏ gỗ theo các ngành nghề khai thác truyền thống của ngư dân đã đăng ký, đảm bảo đủ số lượng thiết kế mẫu tàu để ngư dân lựa chọn. Tổ chức đào tạo các lớp tập huấn hướng dẫn ngư dân vận hành tàu cá công suất lớn bằng vật liệu mới và áp dụng quy trình kỹ thuật khai thác, bảo quản sản phẩm trên tàu, đồng thời xây dựng thêm các tổ đội đoàn kết, mô hình liên kết khai thác, vận chuyển, tiêu thụ sản phẩm và dịch vụ hậu cần nghề cá, nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất trên biển.