Dịp Tết, ngư dân chuẩn bị các điều kiện để vươn khơi trong chuyến biển đầu năm mới, nhưng đây cũng là thời điểm khó khăn nhất trong việc tìm lao động đi biển.
Theo niềm tin của ngư dân, “mở biển” vào dịp tết Nguyên đán là chuyến biển quan trọng với hy vọng bước sang một năm mới được mùa bội thu, nhưng nếu không tìm được lao động đi biển, tàu cũng đành nằm bờ.
Hễ sắp đến Tết, ngư dân Trần Minh Hiệp (phường Hoài Hương, TX Hoài Nhơn) – chủ 3 tàu đánh bắt xa bờ, lại tất tả tìm bạn đi biển. Tìm được người, anh phải ứng trước tiền đặt cọc để “giữ chân”. “Ngoài bạn tàu trong tỉnh, tôi còn ra tận tỉnh Thanh Hóa để tìm. Mà phải xong đâu, tìm được bạn đi biển vẫn phập phồng lo, do năm nào tôi cũng gặp trường hợp họ nhận tiền, hứa hẹn rồi đến khi tàu chuẩn bị xuất bến lại không thấy tăm hơi đâu, gọi điện thoại liên lạc thì không được, đến nhà tìm cũng không gặp. Tiền mất, người không có, tàu phải ra khơi trong tình trạng thiếu người để mở biển đầu năm”, anh Hiệp thổ lộ.
Anh Hiệp kể lại chuyện cách đây vài năm, ở Hoài Nhơn có một thanh niên liên hệ nhiều chủ tàu cá để đi biển, rồi ứng trước mỗi chủ tàu vài triệu đồng tiền thuê bạn, xong đâu đấy thì “bặt vô âm tín”. Cứ thế, thanh niên này lừa được nhiều chủ tàu với số tiền lên đến vài trăm triệu đồng. Nhiều chủ tàu biết được đã tố cáo cơ quan chức năng và thanh niên này bị xử lý trách nhiệm hình sự.
Tàu cá ngư dân Phù Cát chuẩn bị vươn khơi.
Để có bạn đi biển, hầu hết chủ tàu đánh bắt xa bờ đều phải thuê bạn, đưa trước tiền thuê từ 5 – 7 triệu đồng/người. Tàu ra khơi, làm có lãi phải chia thêm tiền cho bạn, còn làm lỗ tổn thì chủ tàu chịu mất tiền thuê.
Ngư dân Vũ Thanh Hoàng (phường Hoài Thanh, TX Hoài Nhơn), chủ tàu lưới vây ánh sáng BĐ 97777 – TS, chia sẻ: “Trước đây, tàu tôi đi một chuyến biển cần 15 – 16 bạn tàu, giờ có máy móc hỗ trợ nên chỉ cần từ 11 – 13 bạn tàu; chuyến biển nào kẹt lắm thì đi 10 người. Vậy nhưng, tàu làm có lãi không lo, chứ bị lỗ tổn thì nhiều bạn tàu “nhảy” sang tàu khác liền, không thể ra khơi đúng lịch trình, phải nằm bờ chờ tìm đủ bạn. Chủ tàu nào có anh em, bạn bè, họ hàng đi bạn thì mới an tâm xuất bến mở biển đầu năm”.
Còn ngư dân Nguyễn Ngọc Châu (xã Cát Khánh (huyện Phù Cát), chủ tàu cá vỏ thép BĐ 99169 – TS, nói: “Trước đây, ghe tàu ít, lao động đi biển nhiều, phải năn nỉ chủ tàu để cho đi biển. Giờ ngược lại, phương tiện nhiều, thiếu lao động đi biển, chủ tàu phải tìm người nài nỉ đi biển, bỏ tiền trước ứng cho họ. Nhiều chủ tàu ráng giữ bạn tàu gắn bó lâu năm hoặc tìm bạn tàu trong tỉnh, nhưng vẫn rất khó, nhất là chuyến biển đầu năm lại càng lo hơn!”.
Việc chủ tàu bị bạn tàu ứng trước tiền thuê bạn, hứa hẹn rồi quỵt tiền không đi biển là thực trạng diễn ra lâu nay. Do số lượng tàu thuyền phát triển nhanh gia tăng cường lực khai thác, dẫn đến nguồn lợi thủy sản dần suy giảm, hiệu quả các chuyến biển không cao, nhiều ngư dân bỏ biển làm nghề khác, khiến tình trạng thiếu lao động nghề biển càng trầm trọng.
Theo ông Nguyễn Công Bình, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Thủy sản, tình trạng thiếu lao động đi biển xảy ra trên cả nước, không riêng Bình Định, nhưng chưa có giải pháp tháo gỡ. Hiện, Nhà nước cũng chỉ mới có những chính sách hỗ trợ vốn vay ưu đãi, hỗ trợ nhiên liệu, đào tạo các chức danh tàu cá cho ngư dân… nhưng cũng chỉ giải quyết được phần nào. Về lâu dài, cần tính toán lại hiệu quả kinh tế của nghề biển mới thu hút được lao động, bởi nghề biển làm việc nặng nhọc, rủi ro cao, thu nhập lại bấp bênh. Nếu có DN tiềm năng thành lập những tập đoàn nghề cá, hoặc thành lập HTX nghề cá, cùng với việc điều tra nguồn lợi thủy sản, sắp xếp lại cơ cấu loại nghề cá, giảm bớt phương tiện tàu thuyền, đào tạo nâng cao trình độ ngư dân ứng dụng KHKT, máy móc, thiết bị hiện đại để giảm bớt sức người… mới giải quyết được thực trạng thiếu lao động nghề cá, hướng đến phát triển nghề cá hiện đại, bền vững.