T2, 06/07/2020 10:14

Bình Định: Liên kết ra khơi

Chưa có đánh giá về bài viết

Nghề khai thác, đánh bắt thủy sản xa bờ luôn phải đối mặt với nhiều khó khăn, như chi phí chuyến biển tăng cao; nhiều mối nguy hiểm, tai nạn luôn rình rập ngư dân trong lúc khai thác. Để khắc phục khó khăn, bà con ngư dân đã liên kết, tập hợp thành từng tổ, đội khai thác; cùng nhau bám biển giữ vững ngư trường, hỗ trợ nhau lúc hoạn nạn, tăng hiệu quả khai thác.

 

Ngư dân Bình Định hoạt động tại vùng biển Trường Sa. Ảnh: H.X

Theo các ngư dân lão thành ở Hoài Nhơn, trước đây những tàu đánh bắt xa bờ thường là mạnh ai nấy tìm ngư trường, gặp luồng cá lớn là lặng lẽ đánh bắt, không chia sẻ thông tin, không gọi tàu bạn. Với cách làm này, nếu tàu nào “vào cầu” là “trúng to”; song cũng không ít trường hợp gặp rủi ro, tai nạn trên biển đành chịu cảnh đơn độc. Mà biển trời mênh mông, sức chống chọi của con người có hạn.

Không đoàn kết, lắm rủi ro

Ngư dân Nguyễn Văn Việt (SN 1954, ở thôn Thạnh Xuân Đông, xã Hoài Hương, huyện Hoài Nhơn), cho biết: “Nghề biển là kiếm sống trên “đầu sóng ngọn gió” nên thiên tai ập đến lúc nào khó lường được. Với cách làm ăn riêng lẻ, ngư dân chẳng mấy ai có ý thức cộng đồng, chỉ nhắm đến mục tiêu khoang tàu của mình đầy cá; gặp tàu bị nạn, nếu không phải là người thân trong gia đình, chưa chắc họ đã chịu dừng chuyến biển để giúp nhau. Mùa đông năm 2010, trong lúc tàu cá của tôi đang đánh bắt tại vùng biển Trường Sa thì nhận được tín hiệu cấp cứu từ một tàu bạn vừa bị tai nạn tại vùng biển cách đó gần 300 hải lý. Vì đang ở quá xa, qua bộ đàm tôi kêu gọi những tàu cá đang đánh bắt ở vùng biển gần đó đến cứu nạn, nhưng ai cũng hoạt động đơn lẻ nên không đến kịp. Cũng may là sau đó tàu bạn được sự trợ giúp kịp thời của tàu Hải quân Việt Nam… ”.

Ông Đào Duy Hội, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã Tam Quan Bắc (Hoài Nhơn), cho biết: “Tam Quan Bắc có đội tàu đánh cá xa bờ 478 chiếc, tổng công suất 96.411CV, chuyên đánh bắt cá ngừ đại dương ở các ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa và nhà giàn DK1. Trước đây, cách khai thác, đánh bắt đơn lẻ khiến những con tàu ra khơi trở nên rất mong manh. Bây giờ thì ổn rồi. Nhờ có sự liên kết, hợp tác thông qua tổ, đội cộng đồng, chẳng những giảm rủi ro, mà còn tăng hiệu quả sản xuất”.

 

Ngư dân Tam Quan Bắc đóng mới tàu cá công suất lớn để vươn khơi đánh bắt xa bờ.

Đoàn kết tạo sức mạnh

Đến nay, ngư dân xã Tam Quan Bắc đã thành lập được 67 tổ đoàn kết cộng đồng đánh bắt trên biển với 262 tàu cá, 1.310 ngư dân. Nhờ liên kết bám biển, ngư dân đã tạo được sức mạnh trong khai thác thủy sản, cùng hỗ trợ nhau kịp thời lúc hoạn nạn, sóng gió có nhau. Ngoài ra, các thành viên trong tổ còn chia nhau trách nhiệm vào bờ bán sản phẩm chung cho cả tổ, đội, để giảm thời gian bảo quản, tăng chất lượng sản phẩm, bán được giá hơn; đồng thời khi trở lại ngư trường sẽ mang ra cung ứng lương thực, nhu yếu phẩm cần thiết cho các tàu đang khai thác. Cách làm này giúp giảm rủi ro của ngư dân trên biển, giảm chi phí, tăng hiệu quả kinh tế cho ngư dân.

Ông Phạm Ngọc Bảo, Phó Chủ tịch UBND xã Tam Quan Bắc, cho biết: “Tuy mới được thành lập khoảng 2 năm nhưng các tổ đoàn kết ở địa phương đã phát huy hiệu quả tích cực, hầu hết các tổ đều có thu nhập cao nhờ kịp thời thông báo, hỗ trợ nhau về ngư trường khai thác. Năm 2012, sản lượng khai thác, đánh bắt thủy sản của ngư dân xã Tam Quan Bắc đạt 10.370 tấn, tăng 15,2% so với kế hoạch, tổng giá trị gần 707 tỉ đồng. Trong đó, sản lượng cá ngừ đại dương đạt 5.076 tấn, tăng 2.026 tấn so với năm 2011”.

Đặc biệt, khi hoạt động đánh bắt trên biển của ngư dân đã mang tính cộng đồng thì sức mạnh tập thể được hình thành, cùng nhau ứng phó với mọi rủi ro, kịp thời hỗ trợ nhau lúc bị tai nạn. Giữa tháng 12.2012, tàu cá của ông La Sưởng, ở thôn Công Thạnh (xã Tam Quan Bắc đang khai thác tại ngư trường Trường Sa thì bất ngờ bị phá nước, tàu trôi tự do, hệ thống thông tin liên lạc trên tàu bị tê liệt. Bản thân ông Lê Sưởng bị thương gãy chân. Sau khi phát hiện tàu của ông Sưởng mất tích, các tàu thành viên trong tổ đoàn kết đã phân công đi tìm để cứu hộ. Qua một ngày tìm kiếm, 2 tàu trong tổ đã phát hiện, cứu hộ và lai dắt tàu của ông Sưởng vào bờ an toàn.

Ngư dân Nguyễn Văn Thành, chủ tàu cá, tổ trưởng một tổ đoàn kết ở xã Tam Quan Bắc, tâm sự: “Nhờ thành lập các tổ đoàn kết trên biển mà anh em ngư dân rất yên tâm khi bám biển khai thác và đùm bọc nhau lúc bị ốm đau, tai nạn trên biển, hiệu quả đánh bắt cũng cao hơn…”.

Ông Mai Khương Dược, Phó Chủ tịch UBND xã Hoài Hương, cho biết: “Từ tổ đoàn kết khai thác thủy sản đầu tiên được thành lập giữa tháng 6.2011, đến nay, ngư dân Hoài Hương đã có 46 tổ đoàn kết với 250 tàu tham gia, chuyên khai thác, đánh bắt cá ngừ đại dương và hành nghề vây rút chì. Trong năm 2012, ngư dân trong xã đã đánh bắt, khai thác được 16.250 tấn hải sản các loại, tăng hơn 2.100 tấn so với năm 2011, trong đó sản lượng cá ngừ đại dương 5.112 tấn. Hầu hết ngư dân trong các tổ đoàn kết đều làm ăn có lãi với mức thu nhập bình quân từ 6-10 triệu đồng/người/tháng”.

Ngư dân Hoài Nhơn đều cho rằng, được sự hỗ trợ của các cấp, các ngành chức năng, cùng với sự đoàn kết chặt chẽ của cộng đồng, bà con quyết không rời biển dù trước áp lực nào. Các tổ liên kết luôn đi thành đoàn, tốp; khi đánh bắt giữ cự ly gần để sẵn sàng hỗ trợ nhau. Nhiều khi ra khơi gặp tàu cá Trung Quốc xâm phạm lãnh hải của ta, cậy thế tàu sắt to lớn, uy hiếp, các tàu ta đồng loạt lên máy bộ đàm thông tin cho nhau, và khẳng định ta đang đánh bắt hợp pháp trên vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam, sẵn sàng hỗ trợ cho tàu bị uy hiếp. Thấy tàu cá Việt Nam có sự đoàn kết, kiên quyết, các tàu cá Trung Quốc cũng dè chừng, bớt manh động hơn.

 

Sơ chế cá ngừ đại dương tại khu hậu cần nghề cá Tam Quan Bắc.

Tiếp tục “nối vòng tay” cùng ngư dân

Theo Sở NN&PTNT Bình Định, từ một vài tổ, đội liên kết ban đầu, đến nay, các địa phương ven biển trong tỉnh đã thành lập được 242 tổ, đội đoàn kết đánh bắt trên biển với tổng số tàu cá tham gia 814 tàu; mỗi tàu cá có từ 7 – 13 ngư dân. Trong đó, huyện Hoài Nhơn có số tổ, đội đoàn kết được thành lập đông nhất, gồm 184 tổ, đội với 575 tàu; chủ yếu là các tàu khai thác, đánh bắt cá ngừ đại dương, câu mực… Qua việc thành lập các tổ, đội đã giúp ngư dân khai thác, đánh bắt thủy sản mang lại hiệu quả cao hơn; cùng đùm bọc, giúp đỡ nhau khi gặp tai nạn, góp phần bảo vệ ngư trường và chủ quyền biển, đảo. Đặc biệt, trong năm 2012, nhờ hình thành các tổ đoàn kết trên biển, ngư dân Bình Định khai thác thủy sản đạt sản lượng gần 165 ngàn tấn, tăng 8,1% so với năm 2011.

Trong năm 2012, từ nguồn hỗ trợ theo Quyết định 48 của Chính phủ, UBND tỉnh Bình Định đã phê duyệt hỗ trợ nhiên liệu cho 3.276 hồ sơ tàu cá đánh bắt xa bờ với tổng số tiền trên 122 tỉ đồng; hỗ trợ kinh phí trang bị 818 máy liên lạc định vị tầm xa HF và mua bảo hiểm tàu cá cho ngư dân trong tỉnh. Nhờ vậy, bà con ngư dân có điều kiện đóng mới, cải hoán, nâng công suất tàu cá để tham gia đánh bắt xa bờ nhằm tăng thu nhập.

Ông Nguyễn Hữu Hào, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, cho biết: Hiện nay, ngành đang tiến hành vận động thành lập Quỹ Hỗ trợ ngư dân Bình Định bám biển, kịp thời hỗ trợ các trường hợp tàu cá không may gặp tai nạn trên biển, và giúp các trường hợp ngư dân khó khăn. Bên cạnh đó, ngành sẽ tiếp nhận hỗ trợ 280 thiết bị công nghệ Movimar (thiết bị quan sát tàu cá, vùng đánh bắt và nguồn lợi thủy sản bằng công nghệ vệ tinh) trang bị cho 280 tổ, đội đoàn kết đánh bắt xa bờ. Đồng thời, ngành sẽ tiếp tục triển khai các chính sách hỗ trợ ngư dân hoạt động khai thác thủy sản hiệu quả hơn, gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo quốc gia. 

Nguyễn Hân

Báo Bình Định

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!