T2, 06/07/2020 10:04

Bình Định: Ngư dân nuôi tôm hùm thịt lao đao

Chưa có đánh giá về bài viết

Trong những năm qua, nghề ươm tôm hùm giống và nuôi tôm hùm thương phẩm đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế ở xã Nhơn Hải (TP Quy Nhơn, Bình Định). Tuy nhiên, vụ nuôi này, ngư dân xã Nhơn Hải lại lao đao vì tôm hùm.

Khổ càng thêm khổ

Vụ nuôi năm 2012, toàn xã Nhơn Hải có 165 hộ ngư dân nuôi tôm hùm giống và tôm hùm thương phẩm, với 97 bè nuôi. 

Thời điểm Noel năm 2011 giá bán 2,5 – 2,6 triệu đồng/kg tôm hùm loại I, sau Tết Nguyên đán còn 1,6 triệu đồng/kg và giá tiếp tục hạ xuống 1,2 triệu đồng/kg, còn bây giờ chỉ còn 870.000 đồng/kg. Trong khi đó, người nuôi tôm tự tìm thị trường và tự tìm thương lái để bán tôm chứ chưa có tổ chức, doanh nghiệp nào đứng ra thu mua bao tiêu sản phẩm. Thương lái về thu mua lại ép giá so với giá thị trường từ 50.000 – 100.000 đồng/kg (lý do là trừ hao vào xăng xe). Ngoài ra, lâu nay tôm hùm thịt đa số được xuất tiểu ngạch sang Trung Quốc, thương lái Trung Quốc lại ép giá, thu mua cầm chừng… Sau khi dùng chiêu hạ giá tôm hùm thịt loại I xuống rẻ hơn tôm hùm thịt loại II, III nhằm “cân sô” tất cả với giá 940.000 đồng/kg, thương lái Trung Quốc lại tiếp tục ép giá, giảm giá mua tôm thịt “cân sô” xuống còn 870.000 đồng/kg. Thương lái Trung Quốc còn thông báo chỉ thu mua tôm hùm loại III (với giá 870.000 đồng/kg). Mặt khác, hộ ngư dân nào có nhu cầu bán mà tỷ lệ tôm thịt loại III chiếm 30% tổng số tôm bán thì thương lái mới “cân sô”.

Bè nuôi tôm hùm của ngư dân Nhơn Hải tại khu vực đảo Hòn Khô – Ảnh: Hoa Khá

Việc thu mua trái khoáy này đang khiến ngư dân nuôi tôm thịt ở xã Nhơn Hải khổ càng thêm khổ.

 

Cần có định hướng phát triển bền vững

Hiện nay người nuôi tôm không còn vốn để duy trì mua thức ăn cho tôm, bởi vốn vay ngân hàng quá hạn hẹp.

Vì Nhơn Hải là xã bán đảo ven biển không có hồ sơ địa chính nên các hộ dân ở đây hầu như không có sổ đỏ. Mà nguồn vốn vay các ngân hàng thường bằng hình thức thế chấp nhà đất bằng sổ đỏ và xác nhận của địa phương, nhưng nếu có cũng thường chỉ vay được ở mức cao nhất là 30 triệu đồng/hộ. Trong khi đó, vốn đầu tư nuôi tôm hùm thịt bỏ ra rất lớn, từ 200 triệu đến 1 tỷ đồng (nếu nuôi quy mô lớn). Nên đa số các hộ ngư dân vay mượn và hùn vốn với người thân trong gia đình để nuôi. Nhưng vụ nuôi năm 2011 – 2012 này, nhiều hộ ngư dân nuôi tôm trong xã lỗ nặng từ vài chục đến vài trăm triệu đồng.

Theo ông Phạm Văn Hùng – Chủ tịch UBND xã Nhơn Hải: “Vụ nuôi tôm hùm thịt năm 2011 – 2012 này ngư dân trong xã lỗ vốn và gặp khó khăn rất lớn. Các cơ quan của tỉnh và thành phố cần quan tâm giúp cho người dân tìm kiếm thị trường, tìm kiếm nơi tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời xem xét cho người dân vay vốn ở mức cao hơn. Đây là yêu cầu chính đáng và nguyện vọng của bà con ngư dân xã Nhơn Hải từ nhiều năm nay. 

>> Anh Nguyễn Thành Khang ở thôn Hải Đông, xã Nhơn Hải cho biết: “Vì giá tôm quá thấp nên một số ngư dân nuôi tôm không bán mà để lại nuôi tiếp, mong giá tôm sẽ lên để bán “gỡ gạc”. Tuy nhiên, để tôm ở lại cũng rất may rủi vì sợ bão tố, thời tiết xấu, hoặc dịch bệnh… thì coi như trắng tay. Nghề nuôi tôm của ngư dân chứng tôi năm nay giống như đang đánh bạc”.

Đoàn Ngọc Nhuận

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!