Theo thống kê, tỉnh Bình Định có 154 hồ chứa nước lớn nhỏ với trên 5.000 ha diện tích mặt nước. Nhiều năm qua, việc sử dụng mặt nước hồ chứa để nuôi trồng thủy sản (NTTS) ở tỉnh Bình Định còn thấp so với tiềm năng.
Đây là một trong những đánh giá của đề tài “Nghiên cứu hiện trạng, đánh giá tiềm năng phát triển NTTS trên hồ chứa và thử nghiệm mô hình ương nuôi cá điêu hồng trong lồng năng suất cao trên hồ chứa tỉnh Bình Định”, do Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư là cơ quan chủ trì; kỹ sư Trần Quang Nhật, công tác tại Trung tâm, làm Chủ nhiệm đề tài. Đề tài vừa được Hội đồng Khoa học Công nghệ chuyên ngành tỉnh tổ chức nghiệm thu và xếp loại Xuất sắc.
Nuôi thử nghiệm cá điêu hồng trên hồ Định Bình.
Bình Định là một tỉnh bán sơn địa với 70% diện tích là đồi núi và 30% là đồng bằng ven biển. Do đó, tiềm năng phát triển NTTS nước ngọt chủ yếu tập trung vào các hồ chứa. Đề tài đã đánh giá tiềm năng phát triển NTTS trên 15 hồ chứa trong tổng số 154 hồ chứa trong tỉnh. Đặc biệt, nghiên cứu thủy lý, hóa, sinh, dòng chảy, độ sâu, đặc điểm eo ngách và tính toán tiềm năng diện tích phát triển nuôi cá lồng tại 5 hồ chứa lớn nhất tỉnh là: Định Bình, Núi Một, Hội Sơn, Thuận Ninh, Vạn Hội.
Qua khảo sát chế độ dòng chảy, độ sâu trên 5 hồ chứa lớn vào mùa khô và mùa mưa, đề tài xác định diện tích từng khu vực của từng hồ chứa đảm bảo điều kiện phát triển nuôi cá lồng. Chế độ thủy văn nhóm hồ chứa lớn đảm bảo phát triển nuôi cá lồng thâm canh theo hướng bền vững; các hồ chứa lớn đảm bảo điều kiện diện tích mặt nước nuôi cá lồng quanh năm, phân bố cả ba khu vực thượng lưu, trung tâm và hạ lưu. Chế độ thủy lý, thủy hóa môi trường nước, lưu tốc dòng chảy, nhiệt độ nước các hồ chứa đảm bảo thuận lợi cho đời sống thủy sinh vật.
Kỹ sư Trần Quang Nhật cho biết: “Tỉnh Bình Định có 154 hồ chứa lớn nhỏ với trên 5.000 ha diện tích mặt nước. Trong đó, có 1.700 ha đã và đang sử dụng nuôi cá theo hình thức nuôi cá quảng canh, năng suất thấp. Qua nghiên cứu, chúng tôi nhận thấy, tiềm năng sản lượng nuôi cá lồng là rất lớn. Hệ thống hồ chứa của tỉnh có nhiều tiềm năng phát triển NTTS theo hướng đa dạng hóa hình thức nuôi, đối tượng nuôi”.
Để khai thác tiềm năng nuôi cá lồng năng suất cao trên các hồ chứa nước lớn của tỉnh, đề tài đã nghiên cứu, xây dựng quy trình kỹ thuật ương nuôi thương phẩm cá điêu hồng trong lồng năng suất cao; thử nghiệm mô hình nuôi thương phẩm cá điêu hồng trong lồng năng suất cao trên hồ chứa nước Định Bình trong thời gian từ tháng 4.2009 – 6.2010. Từ đó, đã xây dựng thành công quy trình kỹ thuật ương nuôi cá điêu hồng năng suất cao trong lồng trên các hồ chứa.
Quá trình nuôi thử nghiệm cho thấy, một số hồ chứa lớn đảm bảo điều kiện nuôi cá lồng, vị trí đặt lồng nuôi thích hợp trên các hồ chứa lớn là khu vực hạ lưu gần đập, độ sâu ổn định trên 5 m trong suốt vụ nuôi và có thể nuôi thương phẩm hai vụ trong năm. Về khung lồng, có thể sử dụng nguyên liệu sẵn có là tre, gỗ hay sắt để làm, phù hợp với khả năng kinh tế của nông hộ hoặc doanh nghiệp. Nguồn cá giống nuôi thương phẩm tốt nhất lấy từ nguồn ương nuôi tại chỗ. Như vậy, tỉ lệ sống cao, giá thành thấp, sức khỏe cá tốt.
Hội đồng nghiệm thu nhận xét, đề tài đã có những tác động tích cực đến với phong trào nuôi cá lồng trên hồ chứa của tỉnh thời gian qua. Từ khi đề tài được triển khai đến nay, phong trào nuôi cá lồng trong hồ chứa của tỉnh phát triển mạnh hơn, diện tích và doanh thu từ việc nuôi cá lồng trong hồ chứa cũng tăng đáng kể. Những kết quả của đề tài có ý nghĩa quan trọng, giúp các nhà quản lý có cơ sở để định hướng phát triển nuôi cá lồng trong hồ chứa ở tỉnh Bình Định trong thời gian tới.
Hiền Mai
Theo Báo Bình Định