Không chỉ gắn kết, tương trợ nhau khi khai thác trên biển, thời gian qua, tổ đoàn kết khai thác thủy sản trên biển của anh Nguyễn Văn Thượng ở phường Hoài Thanh (TX Hoài Nhơn) còn tham gia tuyên truyền pháp luật, góp phần nâng cao ý thức tuân thủ những quy định chống khai thác IUU của nhiều ngư dân.
Tổ đoàn kết của anh Thượng có 9 tàu và gần 100 ngư dân. Các tàu hành nghề lưới vây và nghề câu cá ngừ đại dương, hoạt động chủ yếu ở vùng biển Trường Sa. Ông Huỳnh Ngọc Thạch, Phó Chủ tịch UBND phường Hoài Thanh, cho biết, tổ đoàn kết của anh Nguyễn Văn Thượng là tổ đi đầu trong chấp hành pháp luật trên biển. Bản thân anh Thượng là một trong những ngư dân tiêu biểu của phường. Các thành viên trong tổ tham dự đầy đủ những buổi tuyên truyền pháp luật; thi thoảng còn có ý kiến chia sẻ về thực tế đánh bắt và đề xuất cách áp dụng hiệu quả, phù hợp thực tế.
Các tàu cá trong tổ đoàn kết của anh Nguyễn Văn Thượng đều thực hiện nghiêm các quy định khi tham gia đánh bắt trên biển. Ảnh: Tổ đoàn kết cung cấp
Các tàu cá thuộc tổ đều đảm bảo thủ tục, hồ sơ hoạt động trên biển. Tổ kiểm soát máy móc, thiết bị rất tốt, không có tình trạng bị mất tín hiệu. Các thành viên đều ký cam kết tuân thủ quy định chống khai thác IUU. Không chỉ làm tốt trong tổ, anh Thượng và một số thành viên còn hỗ trợ các tổ bạn.
“Chính ý thức chấp hành pháp luật, phát huy hiệu quả vai trò tổ đoàn kết trong khai thác, tăng năng suất, sản lượng mà tổ anh Thượng thu hút, giữ chân được bạn biển, tạo hiệu ứng tốt trong việc tuân thủ quy định IUU thời gian qua trong phường. UBND phường vừa phối hợp với Đồn Biên phòng Tam Quan Nam cùng anh Thượng thực hiện việc ký cam kết tuân thủ Nghị định số 38/2024/NÐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản và Nghị quyết 04/2024/NQ-HĐTP hướng dẫn xử lý hình sự hành vi khai thác, mua bán trái phép thủy sản. Trong đó, UBND phường đã đề nghị anh Thượng cùng phối hợp tuyên truyền hai quy định này đến tất cả ngư dân của phường”, ông Thạch cho hay.
Anh Thượng chia sẻ: Nguồn lợi thủy sản ở nước mình không còn dồi dào như trước là một thực tế, nhưng phải nghĩ đến lợi ích chung mà không được xâm phạm vùng biển nước bạn. Hoạt động đánh bắt cá hiện nay được hưởng một số chính sách hỗ trợ của Nhà nước, tôi dùng khoản ưu đãi để phụ thêm tiền sửa tàu và bù vào những chuyến biển lỗ tổn. Tuân thủ quy định đánh bắt để phát triển lâu dài, chứ làm liều lỡ bị bắt, xử phạt thì trắng tay. Vùng biển của mình thì cứ bám ở đây đánh bắt, bảo vệ biển đảo, khẳng định chủ quyền, chứ đi đâu cho xa.
Tâm tư này của anh Thượng thường xuyên được chia sẻ, gửi gắm đến các ngư dân trong tổ tại những buổi tụ họp, gặp gỡ, chuyện trò – cả lúc trên thuyền lẫn lúc trên bờ. Qua đó, nâng dần ý thức tuân thủ pháp luật khi khai thác trên biển không chỉ của thành viên trong tổ mà còn lan tỏa sang nhiều ngư dân tổ khác, địa phương khác.
Ngọc Tú
Nguồn: Báo Bình Định