Nhằm đa dạng hóa đối tượng, hình thức nuôi thủy sản, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng thu nhập cho người dân miền núi, thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư Bình Định đã triển khai nhiều mô hình cho hiệu quả cao.
Từ nuôi cá trong ao
Bình Định có 5 huyện trung du, miền núi (với tổng diện tích tự nhiên 374.212 ha, chiếm 62% diện tích và 18% dân số toàn tỉnh, với 3 dân tộc là Băhnar, Chăm và Hrê), là nơi có điều kiện tự nhiên thuận lợi nuôi cá nước ngọt. Tuy nhiên, tiềm năng này chỉ được đánh thức và phát triển cách đây 10 năm nhờ Trung tâm Khuyên nông – Khuyến ngư Bình Định cùng phối hợp với các địa phương “vào cuộc”.
Đồng bào miền núi chỉ quen đánh bắt cá tự nhiên ở sông suối để cải thiện bữa ăn hằng ngày, hầu hết ao hồ lớn nhỏ đều bỏ hoang. Bằng những mô hình được triển khai tại chỗ, hỗ trợ kỹ thuật thông qua phương pháp “cầm tay chỉ việc”, cán bộ khuyến ngư tỉnh đã xây dựng thành công nhiều mô hình nuôi cá nước ngọt trong ao, hồ cho đồng bào dân tộc thiểu số. Hiện, ngoài những đối tượng nuôi cá truyền thống (trắm, trôi, mè, chép…) người dân đã bắt đầu nuôi các loại đặc sản có giá trị kinh tế cao (cá bống tượng, cá chình…).
Hiệu quả mô hình cá chình được nhiều địa phương nhân rộng – Ảnh: Trần Út
Phong trào nuôi cá nước ngọt không chỉ đem lại nguồn thực phẩm mà còn mang lại hiệu quả kinh tế cho đồng bào dân tộc thiểu số ở các vùng trung du, miền núi trong tỉnh như Vĩnh Thạnh, An Lão, Hoài Ân, Sơn Tây, Vân Canh; khẳng định hướng đi phù hợp, khai thác tiềm năng ao, hồ chứa nước ở khu vực này. Tiêu biểu là mô hình nuôi cá bống tượng thương phẩm tại thôn Long Hòa, xã An Hòa, huyện An Lão. Sau 8 tháng nuôi, cá phát triển tốt, tỷ lệ sống đạt trên 95%, trọng lượng 300 – 320 g/con, sản lượng trên 850 kg, cho lãi trên 120 triệu đồng. Bên cạnh đó, hộ ông Phan Thanh Phước ở thôn Long Hòa còn mạnh dạn đầu tư thả chình bông gần 100 con trên 200 m2. Sau hơn 8 tháng nuôi, từ 250 – 300 g/con giống, cá chình đã đạt bình quân 1 kg/con, cá biệt có con gần 2 kg; trừ chi phí còn lãi 60 triệu đồng.
Đến nuôi lồng hồ chứa
Với tổng diện tích mặt nước hồ chứa toàn tỉnh gần 5.000 ha, trong đó các hồ chứa ở miền núi như hồ Định Bình (Vĩnh Thạnh, khoảng 1.385 ha) và một số hồ chứa nhỏ khác (hồ A Vĩnh Sơn, hồ Tà Niên – Vĩnh Thuận), nghề nuôi cá nước lồng xuất phát từ năm 2007, đến nay đã phát triển khá mạnh, năng suất cá đạt từ 35 – 40 kg/m3, sản lượng gần 500 tấn/năm.
Những năm qua, Trung tâm Khuyên nông – Khuyến ngư Bình Định đã xây dựng nhiều mô hình nuôi cá lồng nước ngọt (cá rô phi đơn tính, cá điêu hồng). Đến nay, nhiều hộ đã mạnh dạn phát triển mô hình nuôi cá hồ chứa. Như tại hồ chứa Định Bình có hai hộ Huỳnh Thị Hà và Đặng Tấn Diệu. Các hộ đã đầu tư lồng có kích thước dài 5 m, rộng 4 m, cao 2,5 m, dung tích nước là 40 m3, có hệ thống ống hút, xả nước để đảm bảo dưỡng khí cho cá. Hằng năm, cá được thả nuôi vào giữa tháng 5, mật độ 3.200 con/lồng, cho ăn thức ăn viên công nghiệp của Công ty C.P. Sau 4 tháng, các lồng cá đều đạt yêu cầu đề ra, tỷ lệ cá nuôi sống trên 80%, trọng lượng bình quân 0,6 – 0,7 kg/con, sản lượng đạt gần 2 tấn/lồng, hệ số tiêu tốn thức ăn từ 1,7 – 1,8 kg thức ăn/kg cá. Sau khi trừ chi phí cá giống, thức ăn, thuốc phòng bệnh, nhân công, mỗi lồng cá cho lãi khá.
Tính chung năm 2014, Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư Bình Định đã xây dựng 7 mô hình khuyến ngư đảm bảo tiến độ, khẳng định được năng suất và hiệu quả vượt trội so với ao nuôi đối chứng, được chính quyền và nông dân các địa phương đánh giá cao.
Từ thành công của nhiều mô hình, khẳng định việc nuôi thủy sản phù hợp với điều kiện của nông dân các tỉnh miền núi của tỉnh về mặt ao nuôi, kỹ thuật, vốn, hiệu quả kinh tế. Mặt khác, còn góp phần vào mục tiêu đa dạng hóa vật nuôi thủy sản, tạo nghề mới (nuôi thủy đặc sản, dịch vụ con giống, cung cấp thức ăn), giải quyết lao động nhàn rỗi ở địa phương. Khai thác tiềm năng mặt nước ở địa phương.
Tuy nhiên cũng phải nhìn nhận một thực tế, khó khăn người dân nuôi cá gặp phải về vốn đầu tư ban đầu và thông tin tiêu thụ sản phẩm trên thị trường, do đó cần có sự vào cuộc định hướng của các ngành chức năng để giúp người dân yên tâm mở rộng sản xuất.
>> Năm 2015, tỉnh Bình Định có kế hoạch xây dựng 4 mô hình thủy sản (nuôi cá chình; nuôi hàu trong rừng ngập mặn; nuôi cá quảng canh cải tiến và hỗ trợ xây dựng mô hình bảo quản cá ngừ đại dương). |