Theo Phòng NN&PTNT huyện Tuy Phước, năm 2024, xã Phước Sơn không còn tàu “3 không” (không đăng ký, không đăng kiểm, không có giấy phép khai thác thủy sản). Tình trạng sử dụng xung điện, xiếc máy, lấn chiếm mặt nước để cắm đăng đùng, lồng bè tự phát cũng chấm dứt. Một số hộ đã tự giác tháo dỡ, tiêu hủy gọng xiếc máy, trở về khai thác thủy sản hợp pháp theo quy định.
Người dân Phước Sơn tích cực tìm hiểu các mô hình sinh kế, vừa bảo vệ hiệu quả nguồn lợi thủy sản vừa phát triển kinh tế gia đình. Ảnh: N.T
Xã cũng đã khắc phục đáng kể tình trạng xả chất thải gây ô nhiễm, hủy hoại môi trường sống các loài thủy sản. Không còn chuyện hộ nuôi giấu bệnh của tôm; ngược lại, các hộ thực hiện nhiều cách phòng bệnh cho tôm, chẳng may tôm mắc bệnh thì kịp thời báo tin và phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng xử lý, không để phát tán ra diện rộng.
Bằng nhiều hình thức tổ chức, công tác tuyên truyền, vận động người dân hiểu về quy định pháp luật, tầm quan trọng của công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản diễn ra thường xuyên, liên tục. 4 tổ công tác tuyên truyền ngư dân không làm nghề cấm của xã đi đến từng nhà người dân khai thác thủy sản trái phép trên đầm Thị Nại để giải thích, vận động, thuyết phục. Xã phối hợp với Đồn Biên phòng Nhơn Lý tuyên truyền, vận động hơn 100 người dân các thôn Vinh Quang 2, Lộc Thượng và Dương Thiện về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp. Các ban, ngành, hội, đoàn thể của xã lồng ghép nội dung bảo vệ nguồn lợi thủy sản để đảm bảo sinh kế bền vững trong các buổi họp ở thôn. Đài truyền thanh xã thường xuyên thông tin tuyên truyền về Nghị định 38/2024/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản và Nghị định số 26/2019/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật thủy sản trên phương tiện thông tin công cộng.
Được Trung tâm Khuyến nông (Sở NN&PTNT) hỗ trợ, anh Trương Hữu Tâm (ở thôn Vinh Quang 2) triển khai mô hình nuôi tổng hợp tôm sú giống, cua xanh giống và cá dìa dưới tán cây ngập mặn kết hợp phát triển du lịch sinh thái, cho kết quả rất phấn khởi. Hình thức nuôi này tạo ra sản phẩm tôm, cua, cá đảm bảo an toàn thực phẩm, tạo tiền đề hướng đến phát triển theo hướng sinh thái cho sản phẩm thủy sản tại địa phương. “Để duy trì và phát triển lâu dài, tôi và nhiều người dân trong xã hoạt động tích cực để đảm bảo nguồn nước trong đầm không bị ô nhiễm, đồng thời bảo vệ nguồn lợi thủy sản để tôm, cua, cá phát triển tốt”, anh Tâm chia sẻ.
Theo ông Nguyễn Đặng Toàn, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Sơn, địa phương rất chú trọng phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ nguồn lợi thủy sản”, xem đây là một trong những nhiệm vụ hàng đầu của xã vì sinh kế của nhân dân ven đầm. Cùng với nỗ lực chấm dứt hoàn toàn việc khai thác thủy sản trái phép, xã mong muốn tỉnh sớm triển khai thực hiện việc chuyển đổi nghề, tăng cường phối hợp tuần tra, kiểm soát, xử lý hoạt động khai thác thủy sản trái phép trên đầm Thị Nại và tiếp tục tập huấn kỹ năng tuyên truyền, kỹ năng xử lý tình huống vi phạm trong hoạt động khai thác thủy sản bất hợp pháp…
Ngọc Nga
Nguồn: Báo Bình Định