Bình Định: Tận dụng lợi thế từ các hồ chứa thủy lợi nuôi cá lồng bè

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Với diện tích mặt nước, hồ thủy lợi, thủy điện và hồ chứa tự nhiên lớn, tỉnh Bình Định có nhiều tiềm năng để phát triển nghề nuôi trồng thủy sản nước ngọt trong lồng bè.

Từ năm 2010 đến nay, phong trào nuôi cá nước ngọt lồng bè trên hồ chứa thủy lợi tại Bình Định ngày càng phát triển cả về quy mô cũng như sản lượng. Tỉnh hiện có hơn 160 hồ chứa nước phân bố rải rác ở khắp các địa phương với diện tích mặt nước khoảng 5.000 ha. Nghề nuôi cá lồng bè trên hồ chứa thủy lợi trong tỉnh đem lại sản lượng rất lớn, hàng năm có thể đạt từ 1.500 – 2.000 tấn, tùy thuộc vào các đối tượng nuôi. Riêng tại hồ Định Bình (huyện Vĩnh Thạnh) hiện có khoảng 30 hộ đang nuôi cá lồng bè, với khoảng 125 lồng, tổng thể tích lồng nuôi lên đến hơn 10.000 m³. Ngoài các loại cá truyền thống như trôi, mè, chép, điêu hồng,… người nuôi còn thả các giống cá mới có giá trị kinh tế cao mang về thu nhập hảng trăm triệu đồng/ năm như cá thát lát cườm, lăng nha, chình bông, lóc bông… 

Thạc sỹ Lê Tấn Phát, Trưởng phòng Khuyến ngư, Trung tâm Khuyến nông Bình Định cho biết: việc phát triển nuôi cá lồng trên hồ chứa hiện nay cũng gặp phải một số khó khăn như chưa chủ động được nguồn cá giống có chất lượng phục vụ cho người nuôi; công tác phòng và trị bệnh cho cá nuôi lồng bè gặp nhiều bất cập khi việc sử dụng thuốc điều trị chưa mang lại hiệu quả. Bên cạnh đó, thị trường tiêu thụ chưa ổn định, các hộ nuôi thường bị thương lái ép giá.

Do đó, phát triển nghề nuôi cá theo hướng liên kết, tiêu thụ sản phẩm là ưu tiên cấp bách trong thời gian tới. Các hộ nuôi cần thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác, chi hội hỗ trợ lẫn nhau về mặt kỹ thuật, cùng nhau liên kết sản xuất cũng như tìm kiếm thị trường, đầu ra cho sản phẩm. 

Nghề nuôi cá lồng bè ngày càng phát triển trên hồ Định Bình. Ảnh: Trung tâm khuyến ngư Bình Định.

Đối với công tác kiểm dịch con giống, phòng và trị bệnh cho cá nuôi lồng bè, bà Nguyễn Thị Hồng Hoa, chuyên viên phòng Thú y, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bình Định cho biết: Thực tế hiện nay, việc thả giống nuôi cá của các hộ dân chủ yếu dựa theo kinh nghiệm, theo cảm tính, qua hình thức cảm quan. Con giống trước khi thả nuôi chưa qua kiểm dịch, chưa chứng nhận là sạch bệnh. Vì vậy nguy cơ tiềm ẩn về dịch bệnh trong quá trình nuôi là rất cao, sẽ gây thiệt hại kinh tế cho người nuôi.

Về lâu dài, mô hình nuôi cá nước ngọt lồng bè trên hồ chứa thủy lợi cần có sự quản lý, quy hoạch, hướng dẫn và hỗ trợ của các cơ quan chức năng chuyên môn.  Quy hoạch vùng nuôi phù hợp, tránh phát triển tràn lan; các hộ nuôi phải đăng ký và được cấp phép nuôi cá lồng bè; tuân thủ các quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật, thủy sản. Ngoài ra, việc hình thành và phát triển nghề nuôi này còn phụ thuộc nhiều yếu tố quan trọng khác như độ sâu vùng nước, tốc độ, dòng chảy chất lượng, nguồn nước, mật độ lồng bè, chất lượng, con giống, thức ăn và quy trình kỹ thuật nuôi.

Theo Thạc sỹ Trần Quang Nhựt, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Bình Định: trong thời gian tới, đặc biệt giai đoạn 2024 – 2026, Trung tâm Khuyến nông sẽ xây dựng các mô hình, dự án nuôi cá lồng trên hồ chứa gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm. Đó là hướng đi thiết thực giúp cho các hộ nuôi có thị trường tiêu thụ với giá cả ổn định, phục vụ cho nhu cầu chế biến và xuất khẩu của các doanh nghiệp. Qua đó, nâng cao hiệu quả của nghề nuôi cá lồng bè đem lại năng suất cao và phát triển bền vững.

Thùy Khánh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!