Bình Định: Tăng cường chuyển giao, nhân rộng các mô hình nuôi thủy đặc sản nước ngọt

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Trong nhiều năm qua, việc đa dạng hóa các loài nuôi cá nước ngọt là yêu cầu cấp thiết, góp phần nâng cao năng suất, hiệu quả kinh tế. Trong năm 2021 và 2022, Trung tâm Khuyến nông Bình Định đã triển khai thực hiện các mô hình nuôi cá chình thương phẩm trong ao đất và nuôi cá thát lát cườm thương phẩm trong hồ chứa thủy lợi trong lồng.

Vừa qua, nhằm để đánh giá hiệu quả kinh tế, cũng như khả năng nhân rộng các mô hình, Trung tâm Khuyến nông Bình Định đã tổ chức hội thảo nhân rộng các mô hình nuôi thủy đặc sản cá nước ngọt, điển hình là nuôi cá chình và cá thát lát cho các hộ nuôi trồng thủy sản trên địa bàn các huyện Phù Mỹ, Phù Cát và thị xã An Nhơn.

Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: Thành Nguyên

Tại hội thảo đánh giá, hầu hết các đại biểu và hộ dân đều đánh giá cao hiệu quả kinh tế cũng như khả năng nhân rộng của các mô hình. Ông Nguyễn Phưởng (xã Mỹ Thắng, huyện Phù Mỹ) chia sẻ: “Được sự hỗ trợ kinh phí từ Trung tâm Khuyến nông Bình Định, năm 2021 tôi đã triển khai thực hiện mô hình nuôi cá chình thương phẩm trong ao nước ngọt. Với số lượng giống thả ban đầu là 500 con, kích cỡ 100 g/con. Đến nay sau 15 tháng thả nuôi, cá chình sinh trưởng và phát triển tốt, tỷ lệ sống đạt 90% và trọng lượng cá chình từ 1,0 – 1,2 kg/con, giá thương phẩm hiện nay khoảng 500.000 đồng/kg. Trong thời gian tới ông sẽ xuất bán lứa chình này và tiếp tục tái đầu tư cho vụ nuôi mới”.

Cá chình thương phẩm. Ảnh: Thành Nguyên

Ông chia sẻ thêm, nuôi cá chình không khó, quan trọng nhất vẫn là giống cá chình phải đảm bảo tốt, nguồn gốc rõ ràng, không bị xây xát, con giống nên được mua từ các cơ sở uy tín, tránh trường hợp mua phải con giống bị mắc lưỡi câu. Trong quá trình chăm sóc, đặc biệt quan tâm đến chất lượng nước ao nuôi, tạo môi trường trú ẩn cho cá chình. Thường xuyên theo dõi khả năng bắt mồi để có hướng điều chỉnh lượng thức ăn, tránh trường hợp thức ăn dư thừa gây ô nhiễm môi trường ao nuôi.

Tại hội thảo, nhiều vấn đề cũng được các đại biểu quan tâm và chia sẻ, trong đó rõ nét nhất vẫn là con giống và đầu ra cho các sản phẩm. Ông Phan Long Dũng, Phó Trưởng Phòng Kinh tế thị xã An Nhơn, cho hay: “Tôi thực sự đánh giá cao hiệu quả các mô hình đem lại, tuy nhiên để nhân rộng các mô hình ra trên diện rộng, cần đòi hỏi phải có nguồn giống ổn định và chất lượng tốt. Đồng thời, sản phẩm sau khi nuôi cần có nguồn đầu ra ổn định, hoặc được liên kết với các cơ sở thu mua để bà con yên tâm trong sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống”.

Với lợi thế về điều kiện ao nuôi, hồ chứa thủy lợi tại Bình Định, trong thời gian tới Trung tâm Khuyến nông sẽ tập trung khai thác một cách có hiệu quả thông qua việc xây dựng và nhân rộng các mô hình nuôi các đối tượng thủy đặc sản nước ngọt. Đồng thời, Trung tâm sẽ là cầu nối giữa các hộ nuôi với các doanh nghiệp, cơ sở thu mua, giúp cho bà con yên tâm hơn trong nghề nuôi, góp phần xây dựng được nghề nuôi thủy sản nước ngọt ổn định và bền vững.

Thành Nguyên

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!