(TSVN) – Nhằm khuyến khích và nâng cao nghĩa vụ, trách nhiệm của cộng đồng ngư dân trong việc khai thác và sử dụng nguồn lợi thủy sản, thực hiện tốt việc quản lý vùng nước và nguồn lợi thủy sản thuộc địa phương; từ năm 2007 ngành thủy sản Bình Định đã triển khai thực hiện phương thức đồng quản lý (ĐQL) trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản vùng ven bờ, với nguồn kinh phí hỗ trợ từ các chương trình, dự án.
ĐQL trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản đã được quy định cụ thể tại Điều 10 của Luật Thủy sản 2017 và đã được hướng dẫn cụ thể tại Điều 5, Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 8/3/2019 của Chính phủ. Theo đó, ĐQL là phương thức quản lý, trong đó Nhà nước chia sẻ quyền hạn, trách nhiệm với tổ chức cộng đồng tham gia quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
Một góc đầm Thị Nại, Bình Định. Ảnh: TTX
Đến nay đã có 4/11 mô hình ĐQL trên toàn tỉnh Bình Định được thành lập theo Luật Thủy sản 2017. Đó là Tổ chức cộng đồng (TCCĐ) bảo vệ nguồn lợi thủy sản các phường/xã Ghềnh Ráng, Nhơn Lý, Nhơn Hải và Nhơn Châu. 4 TCCĐ này đã được UBND TP Quy Nhơn công nhận và giao quyền quản lý khu vực biển có diện tích 46,134 ha để thực hiện ĐQL trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản với 220 thành viên tham gia. Hoạt động của các TCCĐ đã góp phần bảo tồn, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; bảo vệ môi trường sống các loài thủy sinh, phục hồi hệ sinh thái rạn san hô tại khu vực biển Vịnh Quy Nhơn.
Để tiếp tục quản lý, bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại các vùng nước nội địa trên địa bàn tỉnh dựa vào cộng đồng, vừa qua, Chi cục Thủy sản Bình Định đã tổ chức tập huấn hướng dẫn cho cán bộ và ngư dân các xã Phước Sơn, Phước Hòa, Phước Thắng và Phước Thuận huyện Tuy Phước về nội dung ĐQL trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản; nhằm hỗ trợ địa phương xây dựng hồ sơ xin thành lập Tổ chức cộng đồng trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên đầm Thị Nại theo Luật Thủy sản năm 2017.
Phát biểu tại lớp tập huấn, anh Phan Tấn Vân, Tổ trưởng Tổ Đồng quản lý nguồn lợi thủy sản xã Phước Sơn (Tổ ĐQL được thành lập trước khi có Luật Thủy sản 2017) cho biết: “Nguồn lợi thủy sản trên đầm Thị Nại hiện đang ngày càng cạn kiệt, sản lượng khai thác thủy sản ngày càng suy giảm vì sự bùng phát của xung điện xiếc máy. Theo đó, mỗi người dân cần có trách nhiệm phải bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên đầm. Đó sinh là sinh kế chung của tất cả cộng đồng dân cư quanh đầm. Việc tiếp tục thực hiện ĐQL để bảo vệ nguồn lợi thủy sản là hết sức cần thiết. Nhiều ngư dân khác tham dự cũng cho biết thêm, nguồn lợi thủy sản trên đầm đang rất cạn kiệt, sinh kế của bà con đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng; nếu không có các nhà máy, xí nghiệp mở ra để giải quyết phần lớn lao động thì không biết đời sống của các cộng đồng ngư dân quanh đầm sẽ như thế nào.
Kết thúc lớp tập huấn, 44 học viên tham dự bao gồm cán bộ khuyến ngư địa phương, trưởng phó các thôn, công an thôn, thành viên các Tổ đồng quản lý trước đây và ngư dân đều đã ký đơn tham gia làm thành viên Tổ chức cộng đồng trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản đầm Thị Nại.
Theo kế hoạch được thảo luận tại buổi tập huấn, Chi cục Thủy sản Bình Định sẽ phối hợp với UBND huyện Tuy Phước hỗ trợ địa phương 4 xã phước Sơn, Phước Hòa, Phước Thuận, Phước Thắng hoàn thiện hồ sơ thành lập tổ chức cộng đồng bảo vệ nguồn lợi thủy sản theo Thủy sản năm 2017, dự kiến hoàn thành vào tháng 8/2023.
Ái Trinh