Chiều 19.7, Tổ công tác liên ngành của huyện Phù Cát lên đường vào miền Nam để gặp trực tiếp 138 chủ tàu, thuyền trưởng tàu cá có chiều dài từ 12m đến dưới 15m đang hành nghề câu mực/mành mực ở ba tỉnh: Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Thuận và Khánh Hòa.
Thành phần Tổ công tác gồm có: Đại diện lãnh đạo phòng NN&PTNT, Đồn Biên phòng Cát Khánh, CA huyện, lãnh đạo UBND của 5 xã, thị trấn (Cát Minh, Cát Khánh, Cát Thành, Cát Hải và thị trấn Cát Tiến).
Phù Cát đang nỗ lực hết sức để huyện không có thêm vụ tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài nào nữa. Ảnh: N.T
Theo kế hoạch, trong 7 ngày (từ 19-25.7), Tổ công tác gặp gỡ trực tiếp ngư dân của huyện có tàu cá thường xuyên di chuyển ngư trường hoạt động ở các tỉnh phía Nam và hằng năm không đưa tàu về địa phương. Tổ sẽ vận động và yêu cầu chủ tàu có chiều dài dưới 15 mét hành nghề câu mực/mành mực lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá và cam kết bật thiết bị giám sát hành trình 24/24 khi tham gia khai thác thủy sản trên biển. Đồng thời phổ biến, tuyên truyền Nghị quyết số 04/2024/NQ-HĐTP ngày 12.6.2024 của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao về hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ Luật hình sự về truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi liên quan đến khai thác, mua bán, vận chuyển trái phép thủy sản.
Đây là lần thứ 2 kể từ đầu năm 2024, huyện Phù Cát cử Tổ công tác vào miền Nam gặp gỡ trực tiếp chủ tàu cá thường xuyên di chuyển ngư trường hoạt động ở các tỉnh phía Nam và hằng năm không đưa tàu về địa phương. Đáng quan tâm trong số này là những tàu cá có chiều dài dưới 15 m hành nghề câu mực/mành mực hoạt động thường xuyên ở ngư trường các tỉnh phía Nam vì đây là nhóm tàu có nguy cơ cao vi phạm vùng biển nước ngoài.
Sau khi kết thúc chuyến công tác, Tổ sẽ báo cáo kết quả làm việc của Tổ công tác cho UBND huyện (qua Phòng NN&PTNT huyện) để tổng hợp, tham mưu UBND huyện báo cáo Thường trực Huyện ủy, Sở NN&PTNT và UBND tỉnh.
Trước đó, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn đã chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố ven biển tập trung triển khai các giải pháp mạnh đối với nhóm tàu cá có nguy cơ cao vi phạm vùng biển nước ngoài. Cụ thể, các địa phương tổ chức rà soát, lập danh sách tàu cá có chiều dài từ 12 đến dưới 15 m hoạt động nghề câu mực, thường xuyên hoạt động ở các tỉnh phía Nam, hằng năm không về địa phương. Thành lập đoàn công tác vào miền Nam gặp gỡ chủ tàu, thuyền trưởng số tàu cá để vận động, yêu cầu họ phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá.
Theo thống kê, tổng số tàu cá của huyện Phù Cát đã đăng ký, đăng kiểm là 688 tàu. Trong đó có 430 tàu có chiều dài 15m trở lên, 242 tàu có chiều dài từ 12 – dưới 15m, 16 tàu có chiều dài dưới 12 m. Qua sàng lọc, nhận diện, huyện hết sức quan ngại đến 83 tàu có nguy cơ cao, có dấu hiệu chuẩn bị đưa tàu và ngư dân đi khai thác hải sản bất hợp pháp. Từ đầu năm đến nay, Phù Cát là địa phương có nhiều vụ tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài nhất tỉnh.
Ngọc Tú
Nguồn: Báo Bình Định