T3, 02/07/2024 02:16

Bình Định: Tuy Phước tích cực chống khai thác IUU

Chưa có đánh giá về bài viết

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, ngày 26.6, UBND huyện Tuy Phước đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách, trọng tâm nhằm khắc phục triệt để 2 tồn tại, hạn chế cuối cùng trong công tác chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).

Đảm bảo 100% tàu cá được đăng ký

Theo rà soát của Sở NN&PTNT, đầu năm 2024, huyện Tuy Phước có số lượng tàu cá chưa đăng ký, đăng kiểm và chưa có giấy phép khai thác thủy sản chiếm tỷ lệ cao của tỉnh, tập trung ở 3 xã Phước Thuận, Phước Sơn, Phước Hòa.

Chủ tàu cá ở xã Phước Thuận đưa tàu đến làm thủ tục đăng ký.  Ảnh: N.T

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc này, trong đó chủ yếu do chủ tàu cá tìm mọi cách tránh né việc đăng ký, xin giấy phép khai thác. Một số người dân cố tình đóng mới tàu cá trái phép dù biết tỉnh không cho đăng ký tàu đóng mới dưới chuẩn  (theo Quyết định số 48/2019/QĐ-UBND về ban hành quy định tiêu chí đặc thù của địa phương và quy trình xét duyệt hồ sơ đề nghị cấp đóng mới, cải hoán, thuê, mua bán tàu hoạt động trên biển). Ngoài ra, còn có trường hợp mua bán, chuyển nhượng tàu cá do vướng quy định hiện hành nên không thể thực hiện được.

Theo Phòng NN&PTNT huyện Tuy Phước, từ đầu năm 2024 đến nay, đặc biệt trong tháng 6, Phòng đã phối hợp với UBND các xã ven đầm Thị Nại rà soát, phân loại, sau đó phối hợp với Chi cục Thủy sản hướng dẫn chủ tàu thực hiện việc đăng ký, cấp giấy phép khai thác thủy sản theo quy định. Thời gian qua, căn cứ thực tế Phòng cũng đã đề xuất hướng xử lý một số trường hợp phát sinh, vướng mắc trong quá trình thực hiện thủ tục cấp phép.

“Có một số trường hợp tàu dưới 6 m nhưng chủ tàu lại khai báo trên 6m. Theo quy định, số tàu dưới 6 m do UBND xã quản lý chứ không làm thủ tục đăng ký. Những trường hợp chủ tàu cố ý chây ì không đăng ký vì có ý định hoạt động nghề khai thác bị cấm theo Thông tư số 19 của Bộ NN&PTNT, sợ nếu làm giấy tờ cho tàu sẽ bị phạt. Cũng có những trường hợp tự ý cải hoán, sang tên, đổi chủ khi chưa được cơ quan chức năng chấp thuận… Chúng tôi kiên quyết xử lý, phấn đấu đến đầu tháng 7 dứt điểm việc này”, ông Phạm Quang Ân, Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện cho hay.

Theo khảo sát của Phòng NN&PTNT huyện Tuy Phước, đến hết ngày 27.6, xã Phước Thắng đã đạt 100% tàu được đăng ký. Địa phương có số lượng tàu phát sinh chưa đăng ký nhiều nhất ở xã Phước Thuận; qua rà soát đầu năm 2024, xã có 100 tàu chưa đăng ký. Theo ông Lê Đức Quang, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Thuận, xã đang nỗ lực phấn đấu đạt tỷ lệ 100%. Để thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký lần đầu, xã đã tăng cường công tác tuyên truyền đến từng chủ tàu cá. Kết quả đến hết ngày 27.6, đã có 80 chủ tàu đăng ký. 20 tàu còn lại đang được xem xét, trong đó 8 tàu có kích thước dưới 6 m sẽ giao về xã quản lý, 1 tàu bị cấp trùng, 3 tàu bị hư hỏng vỏ, 2 tàu đã bán và 6 tàu vắng chủ. “Xã sẽ tiếp tục rà soát, tuyên truyền, vận động, phấn đấu 100% tàu của xã đều được đăng ký”, ông Quang cho biết.

Tất cả hộ nuôi trồng thủy sản phải có giấy xác nhận

Theo đánh giá của huyện, so với mục tiêu đăng ký cho tàu cá thì mục tiêu phấn đấu đạt 100% hộ nuôi trồng thủy sản lồng bè, nuôi thủy sản chủ lực (như tôm sú, tôm thẻ chân trắng…) có giấy xác nhận sẽ khả thi hơn. Mục đích của việc cơ sở nuôi cần có giấy xác nhận và mã số cơ sở là để đáp ứng yêu cầu về quản lý nhà nước cũng như việc truy xuất nguồn gốc trong quá trình xuất khẩu sản phẩm tôm nuôi theo Luật Thủy sản hiện hành. Thời gian qua, công tác đăng ký cấp giấy xác nhận nuôi thủy sản của huyện Tuy Phước gặp nhiều khó khăn do chủ cơ sở chưa tự giác thực hiện các thủ tục đăng ký để được cấp giấy xác nhận, hơn nữa phần nhiều người đang sản xuất không có giấy tờ thừa kế từ chủ sở hữu trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất…

Tuy nhiên, ông Phạm Quang Ân, Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện, lạc quan chia sẻ: Nghị định số 37/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 26/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản. Theo đó, Nghị định mới sửa đổi, bổ sung quy định việc “Đăng ký nuôi trồng thủy sản lồng bè, đối tượng thủy sản nuôi chủ lực” với 2 điểm mới, trong đó hồ sơ đăng ký không yêu cầu có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khi được giao, cho thuê đất để nuôi trồng thủy sản, đã giúp mở nút thắt, để huyện Tuy Phước đạt mục tiêu 100% cơ sở nuôi trong diện này có giấy xác nhận.

Theo ông Nguyễn Ngọc Xuân, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy Phước, huyện đã đề nghị cơ quan chức năng và chính quyền các địa phương liên quan thông báo rõ với các chủ tàu cá, kể từ ngày 30.6.2024, tàu cá nào chưa thực hiện thủ tục đăng ký tàu cá theo hướng dẫn thì sẽ không được phép tham gia khai thác thủy sản. Tương tự vậy, với việc thực hiện đăng ký cấp Giấy xác nhận nuôi đối tượng thủy sản nuôi chủ lực

Nguồn: Báo Bình Định

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!