Bình Dương: Giám sát chặt chẽ cơ sở sản xuất, kinh doanh giống thủy sản

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương vừa ban hành Kế hoạch phòng chống dịch bệnh thủy sản năm 2024. Đây là nhiệm vụ quan trọng trong bối cảnh ngành thủy sản thực hiện tái cấu trúc theo hướng phát triển bền vững và giá trị gia tăng.

Mục đích của Kế hoạch này là nhằm chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh thủy sản, phục vụ công tác quản lý, giám sát, theo dõi, dự báo, thông tin chính xác dịch bệnh để chủ động phòng, chống hiệu quả các loại dịch bệnh động vật thủy sản. Phát hiện, khống chế, dập tắt dịch bệnh ngay khi còn ở diện hẹp; Chuẩn bị đầy đủ các phương án, nguồn nhân lực, vật lực để sẵn sàng ứng phó nhằm giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm các loại dịch bệnh mới; Hướng tới phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững, bảo vệ sức khỏe người dân và phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.

Mô hình nuôi cá thương phẩm tại thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương. Ảnh: Báo Bình Dương.

Kế hoạch này đặt ra nhiệm vụ phải giám sát bị động (lấy mẫu xét nghiệm, điều tra dịch tễ học khi phát hiện thủy sản bệnh, chết chưa xác định được tác nhân gây bệnh). Trong đó, các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh con giống và nuôi thương phẩm động vật thủy sản cần tuân thủ các quy định về điều kiện cơ sở nuôi, xử lý nước thải, chất thải theo quy định, áp dụng quy trình kỹ thuật nuôi, quản lý chăm sóc ao nuôi (VietGAP, GlobalGAP…); áp dụng các biện pháp khai báo dịch bệnh, hỗ trợ nâng cao sức đề kháng cho thủy sản nhằm giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh; áp dụng các các biện pháp phòng bệnh, chống dịch, xử lý ổ dịch theo hướng dẫn của Sở NN&PTNT; định kỳ kiểm tra ao, hồ nuôi thủy sản, xử lý động vật trung gian truyền bệnh; thu mẫu gửi xét nghiệm trong trường hợp nghi ngờ có dịch bệnh phát sinh; xử lý động vật thủy sản nghi mắc bệnh, mắc bệnh, chết; vệ sinh, tiêu độc, khử trùng và áp dụng các biện pháp xử lý ao hồ, lồng, bè nuôi thủy sản, môi trường nước, thức ăn, phương tiện, dụng cụ sử dụng trong quá trình nuôi…

Đồng thời, giám sát chủ động thực hiện chủ yếu với cá giống và cá thương phẩm đang là các đối tượng nuôi chính trên địa bàn tỉnh (cá lóc, cá chép, cá trắm cỏ, rô phi, trê, cá sặc rằn…). Tổ chức giám sát tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống, cơ sở, vùng nuôi thương phẩm; xây dựng và thực hiện kế hoạch lấy mẫu, tổ chức xét nghiệm tác nhân gây bệnh nguy hiểm và bệnh thường gặp trên thủy sản. 

Cùng đó, kịp thời cảnh báo nguy cơ dịch bệnh, hướng dẫn các biện pháp xử lý, khoanh vùng. Cụ thể, bệnh do Tilapia lake virus (TiLV); bệnh xuất huyết mùa xuân ở cá chép (SVC); bệnh do Koi Herpes virus (KHV), bệnh nhiễm khuẩn do vi khuẩn Streptococcus, bệnh do vi khuẩn Aeromonas, bệnh do vi khuẩn Pseudomonas, nấm…; Một số tác nhân gây bệnh nguy hiểm khác, bệnh mới nổi theo quy định của Bộ NN&PTNT.

Kế hoạch cũng yêu cầu tăng cường công tác kiểm dịch thủy sản giống, không để thủy sản giống chưa kiểm dịch lưu thông, vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ trên địa bàn tỉnh; Hướng dẫn cơ sở sản xuất giống thực hiện khai báo kiểm dịch với cơ quan quản lý nhà nước và thực hiện kiểm dịch con giống trước khi xuất bán, xét nghiệm bệnh của giống thủy sản theo quy định; Tăng cường công tác rà soát, hướng dẫn, kiểm tra, kiểm soát đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống thủy sản, vùng nuôi trồng thủy sản tập trung trong công tác phòng, chống dịch bệnh và kiểm soát nguồn gốc xuất xứ; kiểm tra việc sản xuất, kinh doanh, sử dụng thức ăn, chế phẩm sinh học, chất xử lý cải tạo môi trường, thuốc thú y thủy sản, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm (nếu có).

Ngoài ra, thực hiện quan trắc định kỳ 2 lần/năm với các thông số: pH, độ trong, COD, DO, BOD, chất rắn lơ lửng (TSS), hàm lượng nitrit (N-NO2), hàm lượng Nitơ trong amoni (N-NH4+), NO2, hàm lượng PO43-, NO3, Coliform, kim loại nặng (chì, thủy ngân, sắt)…; Thời điểm quan trắc tập trung vào lúc giao mùa, nắng nóng, mưa bão, hoặc thời điểm hay xuất hiện dịch bệnh, mùa vụ sản xuất để tổ chức lấy mẫu nhằm đưa ra các biện pháp cảnh báo kịp thời phù hợp và hiệu quả cho người nuôi.

Dự kiến, tổng kinh phí thực hiện Kế hoạch phòng chống dịch bệnh thủy sản năm 2024 của tỉnh Bình Dương khoảng 889,32 triệu đồng, trong đó dự phòng để phòng chống dịch bệnh thủy sản (nếu có xảy ra) là 600 triệu đồng.

Phạm Thu

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!