Bình Dương: Nuôi lươn không bùn mang lại hiệu quả kinh tế cao

Chưa có đánh giá về bài viết

Thời gian qua, nhiều hộ nông dân ở huyện Bàu Bàng đã mạnh dạn áp dụng kỹ thuật vào mô hình nuôi lươn không bùn, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Anh Bùi Công Thanh ở ấp Lai Khê, xã Lai Hưng là một điển hình trong chăn nuôi lươn không bùn của huyện.

Nắm vững kiến thức trước khi nuôi 

Năm 2018, sau khi tìm tòi, nghiên cứu kỹ thuật nuôi lươn không bùn, kiến thức về phòng, chống bệnh cho lươn, anh Thanh đã đầu tư xây dựng 5 bể vuông, mỗi bể có diện tích 25m2, được lát gạch xung quanh và dưới đáy nhằm tạo độ trơn, giúp vật nuôi không bị tổn thương, trầy xước khi di chuyển. Sau khi hoàn thành việc xây bể, đầu năm 2019, anh thả 20.000 con lươn giống với đủ loại kích cỡ.


Mô hình nuôi lươn không bùn của anh Bùi Công Thanh mang lại hiệu quả kinh tế cao

Đầu năm 2020, anh Thanh tiếp tục thả 10.000 con lươn giống để tăng đàn. Sau 2 năm nuôi, trung bình mỗi con đạt trọng lượng từ 200-250g. Anh đã bán được 2 đợt lươn thịt ra thị trường, đạt hiệu quả kinh tế cao. Đến nay, ngoài cung cấp lươn thịt, anh còn cung cấp lươn giống cho thị trường.

Anh Thanh cho biết, thời kỳ đầu, lươn được giá nên mỗi đợt xuất bán lợi nhuận thu về gần 150 triệu đồng. Trung bình 10 tháng anh xuất bán khoảng 3 tấn lươn thịt và 40.000 con lươn giống, cho thu nhập một năm khoảng 460-500 triệu đồng.

Giai đoạn 2021-2023, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên nông dân gặp nhiều khó khăn trong chăn nuôi, đặc biệt năm 2023 giá lươn sụt giảm mạnh. Tuy vậy, với niềm đam mê nghề nuôi lươn, cùng sự cố gắng của bản thân, anh dần vượt qua được khó khăn. Từ đầu năm đến nay, giá lươn tăng lên khoảng 30 triệu đồng/tấn, đây là tín hiệu đáng mừng cho người nuôi lươn như anh Thanh.

Theo anh Thanh, để sản phẩm cho năng suất, chất lượng cao, việc lựa chọn giống lươn rất quan trọng. Nếu giống tốt thì chỉ nuôi từ 8-10 tháng là xuất bán, còn nếu không tốt sẽ bị “chai lươn”, 12 tháng vẫn chưa thể xuất bán. Nếu mua trứng về ấp để làm ra lươn giống thì lươn sẽ khó phát triển. Vì vậy, anh Thanh làm lươn giống từ lươn bố và lươn mẹ.

“Nuôi lươn thật ra không khó, chỉ yêu cầu nguồn nước phải sạch sẽ, nuôi đúng quy trình. Lươn cho ăn 3 ngày nên ngưng 1 ngày để đào thải chất trong ruột. Bên cạnh đó, nguồn thức ăn cho lươn phải đảm bảo chất lượng thì lươn mới lên màu đẹp và phát triển tốt”, anh Thanh cho biết thêm.

Liên kết để phát triển

Năm 2023, với sự hỗ trợ, hướng dẫn của chính quyền địa phương, Hội Nông dân xã Lai Hưng, anh Thanh đã mạnh dạn thành lập Tổ hợp tác nuôi lươn không bùn với 3 thành viên. Hiện nay, thị trường tiêu thụ lươn của tổ hợp tác khá ổn định.


Anh Bùi Công Thanh (bên phải) được Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện  Bàu Bàng hỗ trợ con giống để tăng đàn, nhân rộng mô hình sản xuất

“Thị trường tiêu thụ sản phẩm lươn vẫn ổn định. Tuy nhiên, việc bán nhỏ lẻ sẽ không mang lại hiệu quả kinh tế cao, hơn nữa thương lái, đơn vị thu mua yêu cầu sản lượng lớn trong một đợt thu mua, nên việc tập hợp các hộ dân nuôi lươn vào tổ hợp tác sẽ thuận lợi cho việc cung ứng đầu ra. Đặc biệt, năm 2024, 2 thành viên tổ hợp tác đã được Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bàu Bàng hỗ trợ con giống và thức ăn cho mô hình nuôi lươn không bùn với tổng kinh phí 79,2 triệu đồng. Đây là động lực để tôi và các thành viên tổ hợp tác tiếp tục nhân rộng mô hình, nâng cao thu nhập và góp phần phát triển kinh tế địa phương”, anh Thanh cho biết thêm.

Ông Huỳnh Thành Công, Chủ tịch Hội Nông dân xã Lai Hưng, cho biết anh Bùi Công Thanh là gương điển hình  người nông dân năng động, dám nghĩ, dám làm và làm giàu chính đáng trên quê hương mình. Trong lĩnh vực chăn nuôi, gia đình anh Thanh luôn tuân thủ quy định và bảo đảm tốt công tác bảo vệ môi trường, không gây ô nhiễm môi trường. Gia đình anh Thanh tham gia nhiều phong trào tại địa phương; thường xuyên tham gia công tác từ thiện do các hội, đoàn thể phát động…

“Đảng ủy, UBND xã luôn quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện tốt nhất để các doanh nghiệp và hộ nông dân ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sạch để tạo ra những cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, ổn định, không gây ô nhiễm môi trường và phù hợp với quy hoạch địa phương. Bên cạnh các mô hình trồng trọt, mô hình chăn nuôi lươn không bùn góp phần tạo ra lươn thương phẩm có chất lượng tốt, bán được giá cao, tăng thu nhập cho người nuôi. Đây là mô hình theo hướng nông nghiệp đô thị được nhân rộng trên địa bàn huyện Bàu Bàng”.

(Ông Bành Quốc Trung, Chủ tịch UBND xã Lai Hưng)

Tiến Hạnh

Nguồn: Báo Bình Dương

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!