(TSVN) – Ban Thường vụ Tỉnh ủy tỉnh Bình Thuận vừa ban hành công văn tiếp tục chỉ đạo, thực hiện nhiệm vụ cấp bách ngăn chặn tàu cá vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).
Theo đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc có liên quan chỉ đạo, tiếp tục thực hiện tốt công văn 247-CV/TU, ngày 30/9/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường lãnh chỉ đạo chống khai thác IUU. Đồng thời, cũng yêu cầu thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Nghị quyết số 36-NQ/TW của BCH Trung ương Đảng (khóa XII), Chương trình hành động số 60-CTr/TU của Tỉnh ủy (khóa XIII) và các văn bản chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành… về chống khai thác IUU. Trong đó, khuyến khích ngư dân vươn khơi, bám biển nhưng không vi phạm vùng biển nước ngoài; khai thác đi đôi với bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản, phát triển kinh tế biển bền vững gắn với đảm bảo quốc phòng, an ninh và bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Ngoài ra, tăng cường tuyên truyền và triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các quy định của pháp luật về thủy sản, nhất là ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá và ngư dân trong tỉnh khai thác hải sản vi phạm vùng biển nước ngoài. Bên cạnh đó, làm tốt công tác quản lý hoạt động khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, các hệ sinh thái biển, phát triển nghề cá theo hướng bền vững, có trách nhiệm và hội nhập quốc tế theo Đề án “Khai thác thủy sản bền vững đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”, góp phần tạo sinh kế bền vững, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống ngư dân.
Chỉ đạo các lực lượng chức năng phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương trong việc đấu tranh, ngăn chặn hoạt động vi phạm khai thác IUU. Trong đó, tăng cường công tác nắm tình hình, điều tra, rà soát thống kê số phương tiện của tỉnh và số phương tiện các tỉnh khác đến hành nghề tại tỉnh. Rút ra những đặc điểm đặc trưng đối với phương tiện nghi vấn, có nguy cơ vi phạm vùng biển nước ngoài, nhất là chủng loại tàu thuyền, công suất máy, ngành nghề hoạt động; màu sơn, biển số tẩy xóa; thường xuyên tắt định vị, VMS… để chủ động áp dụng các biện pháp nghiệp vụ theo dõi, giám sát, kết hợp giáo dục, răn đe, nhằm “ngăn chặn từ gốc” vi phạm. Tuần tra, kiểm soát chủ động phát hiện, đấu tranh với đối tượng cầm đầu các đường dây môi giới và các chủ tàu, thuyền trưởng đưa phương tiện ra vùng biển nước ngoài khai thác trái phép…
Bên cạnh, đổi mới phương pháp, nội dung tuyên truyền, tiếp tục phát huy hiệu quả mô hình tổ đoàn kết khai thác hải sản trên biển; phát động phong trào quần chúng tích cực tham gia đấu tranh, tố giác tội phạm…Tiếp tục rà soát, thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ ngư dân hoạt động khai thác thủy sản theo đúng quy định; quy hoạch các vùng nuôi trồng phù hợp, tạo điều kiện cho ngư dân chuyển đổi nghề bền vững để giảm cường lực khai thác hải sản ven bờ; ưu tiên nâng cấp các khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá và các cảng cá. Đồng thời, thực hiện các dự án phục hồi hệ sinh thái biển, rạn san hô; có kế hoạch giảm lượng tàu cá hành nghề lưới kéo…