Khắc phục 4 hạn chế
Tuy nhiên, vẫn còn một số công việc, nhiệm vụ giải quyết chậm, chưa theo kịp tiến độ, kết quả thực hiện còn rất hạn chế. Việc cấp giấy phép khai thác thủy sản cho tàu cá đã đăng ký tiến độ chậm. Đến nay, toàn tỉnh vẫn còn 1.862 tàu cá chưa có hoặc hết hạn giấy phép (nhiều nhất là Tuy Phong 422 tàu; Phan Thiết 528 tàu; La Gi: 534 tàu; Phú Quý 342 tàu). Ngoài ra, việc triển khai cấp đăng ký tạm, đăng ký cho tàu cá “3 không” chỉ mới dừng ở việc xây dựng kế hoạch, chưa tổ chức triển khai trên thực tế. Việc thực thi pháp luật, xử lý vi phạm chưa quyết liệt, kết quả xử lý rất hạn chế so với thực trạng vi phạm, nhất là chưa xử lý triệt để các trường hợp tàu cá mất kết nối thiết bị VMS. Tiến độ triển khai việc sửa chữa, khắc phục hư hỏng, xuống cấp hạ tầng, vệ sinh môi trường tại các cảng cá còn rất chậm.
Toàn tỉnh vẫn còn 1.862 tàu cá chưa có hoặc hết hạn giấy phép. Ảnh: N. Lân.
Trước tình hình đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Hải đã có kết luận đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp cần tập trung thực hiện thời gian đến. Theo đó, các cơ quan, đơn vị và địa phương tiếp tục quán triệt, triển khai nghiêm túc các nhiệm vụ, giải pháp chống khai thác IUU theo chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban chỉ đạo quốc gia về IUU, chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Đặc biệt là những nội dung chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh liên quan đến xử lý tàu “3 không”; trách nhiệm xử lý các hành vi vi phạm trong khai thác IUU; về danh sách và giải pháp kiểm soát tàu cá có nguy cơ cao; về người đứng đầu phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo, chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện các nhiệm vụ chống khai thác IUU liên quan đến ngành, lĩnh vực, địa bàn mình phụ trách…
Hoàn thành việc cấp đăng ký, giấy phép khai thác cho tàu cá “3 không” trên địa bàn tỉnh trong tháng 9/2024. Ảnh: N. Lân
Trong đó, tập trung tổ chức triển khai công tác đăng ký, cấp giấy phép khai thác thủy sản cho tàu cá “3 không” theo Thông tư số 06/2024/TT BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và PTNT. Yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố vùng biển chỉ đạo lực lượng chức năng, UBND cấp xã hỗ trợ tích cực ngư dân thực hiện các thủ tục đăng ký chính thức đối với tàu “3 không” tại Trung tâm Hành chính công để đảm bảo hoàn thành việc cấp đăng ký, giấy phép khai thác cho tàu cá “3 không” trên địa bàn tỉnh trong tháng 9/2024. Riêng đối với UBND huyện Tuy Phong và UBND thị xã La Gi đề nghị chỉ đạo cho Chi cục Thuế khẩn trương hỗ trợ, hướng dẫn ngư dân thực hiện thủ tục kê khai lệ phí trước bạ đối với tàu thuyền đánh bắt thủy sản để thực hiện đăng ký, đăng kiểm theo hướng dẫn của Cục Thuế tỉnh.
Kiểm soát 100% tàu cá xuất nhập bến, ra vào tại các cảng cá, bến tạm.
Phải hoàn thành các nhiệm vụ cụ thể
Bên cạnh đó, yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố vùng biển tiếp tục chỉ đạo chính quyền cấp xã, các lực lượng chức năng nắm chắc tình hình, giám sát chặt chẽ tàu cá nguy cơ cao. Đồng thời, khẩn trương tổ chức họp bàn thống nhất và có văn bản giao nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị, cá nhân phụ trách; xác định rõ cơ chế, biện pháp để theo dõi, giám sát từng tàu cá. Song song đó, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chỉ đạo lực lượng phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức giám sát chặt đối với tàu cá BTh -96962 -TS (chủ tàu Lê Thiên, xóm 11, xã Chí Công, huyện Tuy Phong), chưa lắp đặt thiết bị VMS đang neo đậu tại Cảng cá Cà Ná, tỉnh Ninh Thuận. Đồng thời, thông báo cho lực lượng Biên phòng tỉnh bạn kiểm soát chặt chẽ, kiên quyết không cho xuất bến khi không đảm bảo điều kiện hành nghề theo quy định. Ngoài ra, chỉ đạo lực lượng Biên phòng vùng biển phối hợp với lực lượng liên quan tổ chức đợt cao điểm từ nay đến 30/9/2024, kiểm soát 100% tàu cá xuất nhập bến, ra vào tại các cảng cá, bến tạm. Người đứng đầu chịu trách nhiệm nếu để tàu cá làm thủ tục xuất bến đi hoạt động không đảm bảo điều kiện hành nghề. Kiên quyết xử lý 100% trường hợp vi phạm, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Phối hợp theo dõi, kiểm soát, giám sát chặt chẽ tàu cá thuộc diện nguy cơ cao vi phạm vùng biển nước ngoài, nhất là tàu cá hoạt động tại các vùng biển giáp ranh các nước, tàu cá Bình Thuận hoạt động, xuất bến ngoài tỉnh.
Cảng cá La Gi (ảnh: N. Lân)
Yêu cầu Công an tỉnh tập trung công tác chỉ đạo, nắm tình hình, điều tra, xử lý các hành vi môi giới, móc nối đưa tàu cá, ngư dân đi khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài; các dấu hiệu gửi, mang hộ thiết bị giám sát hành trình và các hành vi có dấu hiệu cố tình ngắt kết nối VMS trên biển để vi phạm vùng biển nước ngoài, trục lợi chính sách của Nhà nước. Tiếp tục phối hợp với lực lượng Biên phòng và chính quyền địa phương theo dõi, quản lý chặt chẽ các thuyền trưởng, ngư dân bị nước ngoài bắt giữ, thả về để giám sát chặt chẽ ngăn chặn tái phạm… UBND các huyện, thị xã, thành phố vùng biển chưa triển khai xây dựng quy trình để xử lý vi phạm IUU theo Nghị định số 38/2024/NĐ-CP ngày 5/4/2024 của Chính phủ thì khẩn trương hoàn thiện trước ngày 15/7/2024 để tổ chức thực hiện, nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật, xử lý vi phạm.
Đặc biệt, giao Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì, phối hợp các cơ quan, đơn vị có liên quan để xử lý các vướng mắc, bất cập trong công tác quản lý điều hành, kiểm soát chống khai thác IUU, ô nhiễm môi trường tại cảng cá La Gi, nhất là các biện pháp xử lý ngay tình trạng cống, vũng tù đọng hôi thối tại khu vực bến 200 – 400 CV. Ban QLDA ĐTXD các công trình NN&PTNT cần tập trung triển khai nạo vét vùng nước trước bến cập tàu 400CV đảm bảo đúng tiến độ theo chỉ đạo của UBND tỉnh.
Đồng thời, tiếp tục họp bàn, thống nhất hướng giải quyết vướng mắc trong việc xác nhận tàu cá của huyện Phú Quý hoạt động tại vùng khơi xuất, nhập bến tại Cảng Phú Quý và tại các cảng cá chỉ định, trường hợp cần thiết thì xin ý kiến Bộ Nông nghiệp và PTNT để giải quyết phù hợp tình hình thực tế và đúng quy định…
Minh Vân
Nguồn: Báo Bình Thuận