Bình Thuận: Chủ động triển khai nhanh công tác chống dịch bệnh thủy sản

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – UBND tỉnh Bình Thuận vừa ban hành Kế hoạch phòng chống dịch bệnh thủy sản năm 2025. Mục tiêu phòng bệnh, khống chế và kiểm soát có hiệu quả một số dịch bệnh nguy hiểm trên thủy sản nuôi.

Kế hoạch này quy định việc hỗ trợ giám sát dịch bệnh và chuyên môn cho các cơ sở, chuỗi sản xuất thủy sản trong quá trình xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh trên địa bàn tỉnh. Cùng đó, hướng dẫn người nuôi biện pháp ngăn ngừa dịch bệnh xảy ra. Tổ chức giám sát chặt chẽ tình hình, kiểm tra, phát hiện kịp thời các ổ dịch bệnh động vật thủy sản (nếu có). Chủ động triển khai nhanh chóng công tác phòng, chống khi có dịch bệnh xảy ra.

Về phòng bệnh, yêu cầu các cơ sở sản xuất giống, thu gom, ương, dưỡng, kinh doanh và nuôi trồng thủy sản thực hiện theo quy định của Luật Thú y và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Thiết kế cơ sở đảm bảo các hoạt động vệ sinh, khử trùng, khoanh vùng và xử lý khi dịch bệnh xảy ra thuận lợi, hiệu quả. Nguồn nước phải được xử lý mầm bệnh, kiểm soát các yếu tố môi trường, bảo đảm đủ điều kiện vệ sinh thú y trước khi đưa vào sản xuất; nước thải, chất thải phải xử lý đạt yêu cầu theo quy định trước khi xả thải.

Sử dụng giống thủy sản có nguồn gốc rõ ràng, khỏe mạnh, đảm bảo an toàn dịch bệnh và  đáp ứng các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. Giống thủy sản từ cơ sở sản xuất ngoài tỉnh, nhập khẩu phải có giấy chứng nhận kiểm dịch; kiểm tra chất lượng theo quy định.

Đồng thời, áp dụng các biện pháp kỹ thuật về nuôi, phòng bệnh, quản lý môi trường theo hướng dẫn của cơ quan chuyên ngành thú y thủy sản, nuôi trồng thủy sản trong quá trình hoạt động của cơ sở.

Đối với nuôi thủy sản lồng bè trên biển, thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các nội dung theo Chỉ thị của Ủy ban nhân dân tỉnh về tăng cường quản lý, chủ động phòng chống dịch bệnh và thiên tai tại các vùng nuôi thủy sản lồng bè trên vùng biển của tỉnh.

Ngoài ra, triển khai hoạt động quan trắc tại các khu vực nuôi trọng điểm, tập trung các đối tượng chủ lực, các đối tượng có giá trị kinh tế cao, như: Tôm nước lợ (tôm thẻ chân trắng, tôm sú); Cá nuôi lồng nước ngọt; Nuôi biển (các loại cá biển, tôm hùm).

Về giám sát dịch bệnh động vật thủy sản: Căn cứ nội dung các Thông tư của  Bộ NN&PTNT quy định  về phòng, chống dịch bệnh động vật thủy sản và Kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh về phòng, chống  một số dịch bệnh nguy hiểm trên thủy sản nuôi giai đoạn 2021 – 2030… Chi cục Chăn nuôi và Thú y tổ chức  hoạt động giám sát chủ động dịch bệnh tại cơ sở sản xuất giống, một số doanh  nghiệp và hộ nuôi ở các vùng nuôi trọng điểm, vùng nuôi tập trung hoặc vùng áp dụng công nghệ cao của địa phương; giám sát tại vùng đệm của cơ sở/chuỗi sản xuất an toàn dịch bệnh.

Cũng theo Kế hoạch này, cơ sở sản xuất giống và nuôi trồng thủy sản cần áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; chấp hành các quy định về kiểm dịch, quan trắc môi trường, báo cáo dịch bệnh; cải tạo ao, đầm; chăm sóc, quản lý động vật thủy sản; xử lý ổ dịch, chất thải và nước thải theo hướng dẫn của Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Chi cục Thủy sản.

Cùng đó, hợp tác với các cơ quan, đơn vị có liên quan trong  việc  lấy  mẫu  thủy  sản nuôi và mẫu môi trường để kiểm tra các thông số môi trường, dịch bệnh, thu thập thông tin xác định các yếu tố nguy cơ liên quan đến môi trường và dịch bệnh động vật thủy sản…

Bảo Hân

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!