T2, 06/07/2020 11:17

Bình Thuận: Đánh bắt hải sản bằng thuốc nổ: Khó triệt !

Chưa có đánh giá về bài viết

Việc đánh bắt hải sản bằng thuốc nổ không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn lợi thủy sản, môi trường sinh thái, mà còn trực tiếp đe dọa đến tính mạng người sử dụng chất nổ. Tại Bình Thuận, vấn đề trên đã diễn ra từ nhiều năm nay, nhưng để chấm dứt thực trạng này là điều không đơn giản…

Lợi nhuận đặt trên sự an toàn?

Thời gian qua, cả nước đã có nhiều trường hợp tử vong, hoặc bị thương do sử dụng thuốc nổ trái phép. Tại tỉnh ta, có trường hợp thuyền trưởng – chủ một tàu cá ở khu phố 5, phường Đức Long (TP Phan Thiết) thiệt mạng tại vùng biển Phan Thiết do sử dụng chất nổ để đánh bắt hải sản; vụ nổ trên cũng làm 1 thuyền viên bị thương, tàu cá bị hư hỏng nặng phần cabin. Có thể nói, đó là lời cảnh báo cụ thể về sự nguy hiểm khi sử dụng chất nổ để đánh bắt hải sản theo kiểu tận diệt ngoài khơi. Tuy nhiên, bất chấp những hậu quả có thể xảy ra, nhiều người vẫn sử dụng chất nổ trong quá trình đánh bắt hải sản.

 

Tàu cá của ngư dân tỉnh Ninh Thuận sử dụng thuốc nổ trong quá trình đánh bắt hải sản bị lực lượng Thanh tra Thủy sản bắt quả tang, lập biên bản.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: 10 tháng năm 2014, các cơ quan chức năng đã phát hiện và xử lý 5 vụ vi phạm. Trong đó, tại huyện Phú Quý, đã triệt phá 1 đường dây vận chuyển 60 kg thuốc nổ; xử lý 1 trường hợp tàu cá của ngư dân xã Long Hải tàng trữ 8 kíp điện, 43 kíp nổ đã tra dây cháy chậm. Tại Tuy Phong, đã bắt giữ và xử lý 1 trường hợp tàu cá của tỉnh Ninh Thuận sử dụng 0,85 kg thuốc nổ và 0,8 m dây cháy chậm; bắt, xử lý 1 trường hợp thúng nhựa gắn máy của ngư dân xã Phước Thể sử dụng 0,8 kg thuốc nổ để khai thác hải sản. Ngày 22/10, lực lượng chức năng cũng đã tịch thu 1,6 kg thuốc nổ, 21 kíp nổ và hơn 4 m dây cháy chậm của 1 tàu cá tỉnh Khánh Hòa sử dụng để đánh bắt hải sản tại vùng biển của tỉnh.

Khó xử lý

Không chỉ đánh bắt hải sản bằng chất nổ, một hình thức khai thác hải sản khác cũng hoạt động theo kiểu tận diệt gây bức xúc trong nhân dân là giã cao bay. Hầu hết, các tàu hành nghề giã cào đều có công suất khá lớn (từ 168 – 950 CV). Theo quy định, các tàu giã cào không được hoạt động cách bờ trong phạm vi 15 hải lý, nhưng trên thực tế các tàu hành nghề giã cào còn hoạt động gần bờ, cào sạch các loại hải sản và ngư lưới cụ của những ngư dân khác. Để ngăn chặn tình trạng hoạt động sai tuyến của các tàu giã cào, từ đầu năm đến nay Chi cục Thủy sản đã phối hợp với các lực lượng chức năng tổ chức 5 đợt truy quét tại vùng biển Tuy Phong, Phan Thiết và La Gi, qua đó đã phát hiện, xử lý 24 trường hợp vi phạm.

Ông Mai Kiều – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Rất khó để chấm dứt tình trạng đánh bắt hải sản bằng thuốc nổ, hoạt động giã cào bay. Vì thực tế đã có nhiều trường hợp khi tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân qua đường dây nóng, Chi cục Thủy sản đã tổ chức kiểm tra nhưng không phát hiện vi phạm, trong khi đó chi phí (về nhiên liệu) cho mỗi chuyến kiểm tra xa khơi khá cao. Hơn nữa, hoạt động giã cào bay, đánh bắt hải sản bằng chất nổ hoạt động ngày càng tinh vi, có bố trí người cảnh giới. Vì vậy, khi phát hiện lực lượng Thanh tra Thủy sản tổ chức kiểm tra các tàu giã cào bay sẽ lập tức thu lưới lên, còn các tàu đánh bắt hải sản bằng thuốc nổ sẽ phi tang tang vật… nên rất khó xử lý.

Được biết, để ngăn chặn tình trạng trên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục cho ngư dân các quy định về bảo vệ nguồn lợi thủy sản; tác hại của hoạt động giã cào bay, đánh bắt hải sản bằng thuốc nổ đối với nguồn lợi, hệ sinh thái đáy biển. Đồng thời, đẩy mạnh công tác phối hợp với lực lượng biên phòng và chính quyền địa phương trong hoạt động kiểm tra, kiểm soát trên biển, làm tốt công tác bám địa bàn, tiếp tục tổ chức các đợt cao điểm và xử lý nghiêm hành vi vi phạm…

Lê Phúc

Báo Bình Thuận

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!