Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo quốc gia về IUU) rà soát, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan nhằm tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, đồng bộ, chặt chẽ, khả thi phục vụ công tác phòng, chống khai thác IUU; hoàn thành, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 31/12/2024.
Bộ Quốc phòng quyết định việc thành lập tổ công tác chuyên biệt để ngăn chặn, xử lý dứt điểm tình trạng tàu cá Việt Nam đi khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài. Tập trung chỉ đạo, tăng cường tuần tra, kiểm tra, kiểm soát tại các vùng biển giáp ranh với các nước Malaysia, Thái Lan, Indonesia… ngăn chặn, xử lý kịp thời tàu cá có dấu hiệu vi phạm khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài.
Tại Bình Thuận, việc kiểm soát tàu cá xuất nhập bến, ra vào cảng và triển khai Hệ thống phần mềm truy xuất nguồn gốc thủy sản điện tử (eCDT) và kiểm soát sản lượng lên bến, truy xuất nguồn gốc được triển khai đúng quy định. Tính từ đầu năm đến nay, đã xử phạt 410 vụ với số tiền hơn 3,5 tỷ đồng. UBND tỉnh đã chỉ đạo những tàu mất kết nối VMS trên 6 giờ lặp đi lặp lại nhiều lần cần đưa vào diện theo dõi đặc biệt. Trong khi đó, tình trạng tàu không cập cảng cá chỉ định để bốc dỡ hải sản theo quy định; chủ tàu, thuyền trưởng “chưa có thói quen” ghi, nộp nhật ký khai thác cũng như báo cáo về quá trình bán hải sản, tình trạng tàu cá hoạt động không đăng ký, không có hoặc hết hạn giấy phép khai thác thủy sản… vẫn còn xảy ra nhưng chưa được xử lý triệt để. Đối với kiểm soát tàu cá xuất nhập bến, ra vào cảng, giám sát sản lượng lên bến tuy có nhiều cải tiến, nhưng số liệu thống kê chưa đảm bảo độ chính xác. Những bất cập nêu trên, cần phải sớm khắc phục một cách đồng bộ, quyết liệt từ cơ quan chức năng. Và hơn ai hết chính ngư dân là người cần đồng hành với tỉnh để gỡ “thẻ vàng”, chính là bảo vệ nghề cá phát triển bền vững, bảo vệ “nồi cơm” của mình.!