Bình Thuận: Tiềm năng nuôi biển

Chưa có đánh giá về bài viết

Bình Thuận là tỉnh có tiềm năng phát triển nuôi trồng thủy sản (NTTS), đặc biệt là NTTS trên biển. Nghề nuôi biển ở Bình Thuận đang phát triển rất nhanh những năm gần đây. Mặc dù tỷ trọng hiện tại chưa tới 10% so với tổng sản lượng thủy sản nuôi trồng (2023), nhưng đây là một lĩnh vực có tiềm năng rất lớn trong tương lai, cần được quan tâm đầu tư

Nhiều thách thức

Ngành thủy sản của tỉnh đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế tỉnh Bình Thuận, với sản lượng và giá trị xuất khẩu tăng đều qua các năm. Tốc độ tăng trưởng bình quân tổng sản lượng thủy sản của tỉnh giai đoạn 2016 – 2023 đạt 2,27%. Trong đó, sản lượng thủy sản khai thác vẫn chiếm tỷ trọng chính, tuy nhiên những năm gần đây tăng trưởng chậm hơn so với nuôi trồng, đặc biệt là nuôi biển. Năm 2023, tổng sản lượng thủy sản nuôi biển của tỉnh đạt 552 tấn, tăng 211 tấn so với năm 2016. Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016 – 2023 đạt hơn 7%, phát triển vượt bậc. Việc tăng cường sản lượng và giá trị xuất khẩu thủy sản sẽ là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh thời gian tới.

Nuôi tôm hùm theo công nghệ truyền thống.

Năm 2023, trên địa bàn tỉnh có 6 khu vực nuôi biển ven bờ, ven đảo với 3.081 lồng nuôi, tập trung nhiều ở các huyện Tuy Phong, Phú Quý, Bắc Bình, TP. Phan Thiết, Hàm Thuận Nam, với các loài nuôi có giá trị kinh tế cao như cá mú, tôm hùm, cá chim, cá bớp, ốc hương… Tuy nhiên, hầu hết các hộ nuôi nơi đây đều nuôi theo công nghệ truyền thống, quy mô nhỏ, lồng nuôi được làm từ vật liệu gỗ, sắt và thùng phuy, không chịu được sóng gió, bão lớn.

Nuôi hải sản lồng bè ở Phú Quý. Ảnh: N. Lân.

Theo khảo sát của ngành nông nghiệp, mặc dù lợi nhuận từ các mô hình này khá lớn 300 – 400 triệu đồng/năm, nhưng độ rủi ro cũng cao. Lợi nhuận của mô hình phụ thuộc rất nhiều vào thời gian thu hoạch vì giá cá thương phẩm có sự biến động lớn theo các thời điểm khác nhau. Bên cạnh đó, nghề nuôi biển của tỉnh vẫn còn những khó khăn, thách thức nhất định. Vùng biển của tỉnh không có các vịnh lớn, kín gió để phát triển mạnh nuôi biển mà dọc chiều dài bờ biển là bãi ngang, có nhiều sóng, gió nên bị ảnh hưởng của các cơn bão hay áp thấp nhiệt đới hàng năm. Không chỉ vậy, chất lượng môi trường nước có nhiều biến động, dẫn đến hiện tượng cá bị chết đột ngột, số lượng lớn trong những năm gần đây. Đặc biệt, vùng nuôi tại Phú Quý đã quá tải với số lượng lồng bè nuôi khá dày, nuôi ở khu vực biển ven đảo Lạch Dù, xã Tam Thanh với diện tích mặt nước nuôi khoảng 7.000 m2 và tổng sản lượng nuôi năm 2023 khoảng 155 tấn. Đa số các hộ nuôi mua giống qua lái quen, chịu nhiều áp lực về giá, chất lượng giống, giống vận chuyển chủ yếu là đường biển, khoảng cách xa nên nhiều rủi ro; thị trường tiêu thụ, giá cả đầu ra không ổn định; việc phát triển nuôi biển ứng dụng công nghệ cao còn hạn chế…

Trại nuôi cá giống ở Hàm Thuận Nam.

Hiện thực hóa đề án

Bình Thuận có tiềm năng nuôi biển rất lớn, đặc biệt trong bối cảnh nguồn lợi thủy sản ngày càng cạn kiệt, nguyên liệu phục vụ cho chế biến, xuất khẩu phụ thuộc vào nhập khẩu từ nước ngoài. Nhu cầu tiêu thụ thủy sản nuôi trồng ngày càng tăng, có xu hướng thay thế và giảm áp lực cho khai thác thủy sản (KTTS). Ông Nguyễn Văn Chiến – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: “Xuất phát từ những yêu cầu thực tế, việc thực hiện “Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển tỉnh Bình Thuận đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” là rất cần thiết. Thời gian tới, ngành thủy sản của tỉnh sẽ giảm mạnh phương tiện KTTS vùng ven bờ, góp phần giải quyết bài toán chuyển đổi nghề từ KTTS ven bờ sang nuôi trồng trên biển mang tính bền vững hơn. Nuôi trồng trên biển cũng chính là cơ hội lớn để phục hồi hệ sinh thái đang ngày bị cạn kiệt bởi khai thác quá mức của con người.

Nuôi trồng trên biển cũng chính là cơ hội lớn để phục hồi hệ sinh thái đang ngày bị cạn kiệt (ảnh: N. Lân)

Bên cạnh đó, việc thực hiện đề án này còn nhằm cụ thể hóa Nghị quyết về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam, đặt mục tiêu Tầm nhìn đến năm 2045, Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, kinh tế biển đóng góp quan trọng vào nền kinh tế đất nước, chuyển từ nuôi trồng hải sản theo phương thức truyền thống sang công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao, tạo đột phá nuôi trồng hải sản trên biển. Ngoài ra, sẽ thu hút các doanh nghiệp đầu tư, tạo động lực cho nghề nuôi biển của tỉnh Bình Thuận trở thành ngành công nghiệp nuôi biển hiện đại và bền vững, khai thác có hiệu quả tiềm năng nuôi trồng thủy sản trên biển của tỉnh. Đồng thời, đề án sẽ góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế biển gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp và đảm bảo quốc phòng – an ninh vùng biển, đảo của Tổ quốc.

Để đề án sớm thành hiện thực, UBND tỉnh cần sớm phê duyệt đề án là căn cứ để tiến hành việc giao, cho thuê, cấp phép mặt nước nuôi biển cho các tổ chức, cá nhân tham gia nuôi trồng trên biển theo đúng quy trình, thủ tục. Chính phủ cần sớm ban hành các chính sách ưu đãi để các tổ chức, cá nhân tham gia nuôi biển tiếp cận nguồn vốn dài hạn lãi suất thấp phát triển nuôi biển; Ban hành chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia nuôi biển công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao; Bổ sung các đối tượng nuôi biển chủ lực được hỗ trợ theo nghị định về bảo hiểm nông nghiệp. Ngoài ra, Chính phủ cần có các biện pháp hữu hiệu để tháo gỡ những ách tắc về các thủ tục giao mặt nước nuôi biển…

Minh Vân

Nguồn: Báo Bình Thuận

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!