(TSVN) – Theo báo cáo của Sở NN&PTNT Bình Thuận, năm 2023 việc nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh tương đối ổn định, mặc dù nuôi trồng không thuận lợi song khai thác thủy sản biển lại đạt kết quả khá.
Nhờ đó, diện tích nuôi trồng thủy sản trong tháng 12/2023 đạt 234,4 ha, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm 2022; lũy kế năm 2023 đạt 3.002,7 ha, giảm 3,8% so với năm 2022 (trong đó diện tích nuôi cá 2.257,4 ha, giảm 6,6%; diện tích nuôi tôm 651,7 ha, giảm 1,9%). Tình hình nuôi trồng không thuận lợi từ đầu năm đến nay, do giá tôm, cá giảm, thị trường xuất khẩu bị thu hẹp, người nuôi chưa yên tâm đầu tư.
Cá về cảng Phan Thiết, Bình Thuận. Ảnh: BBT
Sản lượng nuôi trồng trong tháng 12/2023 đạt 1.293 tấn tăng 4,3% so với cùng kỳ năm 2022; lũy kế năm 2023 đạt 11.528,3 tấn, giảm 8,5% so với năm 2022; chủ yếu là nuôi thủy sản nội địa, sản lượng đạt 11.299,3 tấn, giảm 8,7%. Thủy sản nuôi nội địa (chủ yếu nuôi cá) tập trung ở các huyện Tánh Linh, Đức Linh, Phú Quý và nuôi tôm thâm canh ở một số huyện như Hàm Tân, Tuy Phong, Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc, La Gi, trong đó cá nuôi nội địa sơ bộ cả năm 6.293,4 tấn, giảm 11,4% so với năm 2022 và sản lượng tôm nuôi nội địa đạt 4.897,9 tấn, giảm 5,7%, giảm do tình hình nuôi tôm thương phẩm trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn do điều kiện thời tiết thay đổi thất thường, tôm khó nuôi, chi phí đầu tư nuôi tôm tăng cao, hiệu quả nuôi đạt thấp.
Tình hình khai thác thủy sản biển trong năm tương của tỉnh Bình Thuận đối thuận lợi. Phát triển khai thác thủy sản vùng khơi hiệu quả, bền vững trên cơ sở giảm dần cường lực khai thác, tổ chức tốt dịch vụ hậu cần nghề cá.
Sản lượng khai thác trong tháng 12/2023 đạt 18.513,8 tấn, giảm 0,8% so với cùng kỳ năm 2022; lũy kế năm 2023 đạt 235.277,9 tấn, tăng 1,7% so với năm 2022. Sản lượng khai thác biển sơ bộ năm 2023 đạt 234.661,5 tấn, tăng 1,7%, trong đó: cá 158.742,1 tấn, giảm 1%; tôm 4.611,2 tấn, giảm 6,7%; hải sản khai thác biển khác 71.308,2 tấn, tăng 9,1% so với năm 2022, trong các loại hải sản khai thác biển khác chủ yếu tăng ở các loài có giá trị cao như: mực 38.011,2 tấn, tăng 29,5%; sò 3.800 tấn, tăng 13,9% so với năm 2022.
Tiếp tục triển khai chính sách hỗ trợ ngư dân khai thác vùng biển xa. Tập trung tổ chức tốt dịch vụ hậu cần nghề cá; tổ chức sản xuất trong khai thác theo hình thức tổ đội sản xuất tiếp tục được quan tâm, duy trì hoạt động 129 tổ đoàn kết/982 thuyền/4.910 lao động và 5 nghiệp đoàn nghề cá. Hoạt động khai thác hải sản vùng lộng, vùng ven bờ được sắp xếp hợp lý. Tiếp tục quản lý đội tàu khai thác theo quy định Luật Thủy sản năm 2017, thực hiện đăng ký, cấp phép khai thác thủy sản theo hạn ngạch.
Theo Chi cục Thủy sản Bình Thuận, năm 2023 sản lượng tôm giống của tỉnh sơ bộ 24,8 tỷ post, giảm 2,1% so với năm 2022; giảm do ảnh hưởng giá tôm thịt trên thế giới và thị trường trong nước giảm, mức tiêu thụ và xuất khẩu giảm.
Công tác bảo vệ, tái tạo, phát triển nguồn lợi thủy sản gắn với bảo tồn đa dạng sinh học và sinh kế của cộng đồng ngư dân được tăng cường; lực lượng Kiểm ngư của tỉnh tiếp tục tăng cường công tác tuần tra trên biển, ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm các tàu cá hoạt động nghề cấm, thuyền nghề giã cào bay hoạt động khai thác sai vùng, sử dụng các phương thức khai thác hủy diệt ngư trường, nguồn lợi thủy sản tiếp tục duy trì. Củng cố, phát huy hiệu quả các mô hình đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại 3 xã Tân Thành, Tân Thuận, Thuận Quý thuộc huyện Hàm Thuận Nam (3 tổ chức cộng đồng/288 hộ gia đình/814 thành viên được trao quyền quản lý vùng biển có diện tích là 43,4 km2); bên cạnh đó đang khảo sát, đánh giá điều kiện các khu vực biển ven bờ để xây dựng đề án nhân rộng mô hình đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại vùng biển ven bờ của tỉnh, góp phần bảo vệ, phục hồi nguồn lợi thủy sản và các hệ sinh thái ven biển gắn với ổn định sinh kế cho cộng đồng ngư dân.
Tiếp tục triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Từ đầu năm đến nay, các lực lượng chức năng phát hiện 1 vụ/1 tàu/7 lao động vi phạm bị nước ngoài bắt giữ. Tăng cường công tác quản lý đội tàu, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (đến nay đã hoàn thành 100% việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình đối với tàu cá đang hoạt động) phát huy hiệu quả hệ thống giám sát hành trình, ngăn chặn tàu cá vượt ranh giới cho phép trên biển, thực hiện giám sát tàu cá ra/vào cảng, bốc dỡ sản phẩm, truy xuất nguồn gốc thủy sản và thực thi pháp luật về khai thác IUU theo đúng quy định. Việc xử lý các hành vi vi phạm nguồn lợi thủy sản được tăng cường, từ đầu năm đến ngày 30/11/2023 đã phát hiện và xử phạt 368 vụ vi phạm.
Ngọc Diệp