Những năm qua, tình hình nuôi thủy sản ở Bình Thuận gặp nhiều khó khăn, một số mô hình hiệu quả nuôi thấp, không có lãi. Nuôi thủy sản nước ngọt của tỉnh chủ yếu tập trung ở 2 huyện Đức Linh, Tánh Linh, một số ít nuôi ở Bắc Bình, Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc, La Gi và Hàm Tân.
Đối tượng nuôi chủ yếu là các loại cá truyền thống như cá trắm, chép, trôi, điêu hồng, cá chim, cá lóc, cá tra, cá trê… với quy mô nhỏ, hộ gia đình là chủ yếu. Hình thức nuôi thường là quảng canh, quảng canh cải tiến, nuôi cá kết hợp với trồng sen, nuôi cá kết hợp với nuôi vịt… nuôi thâm canh, bán thâm canh chuyên cá chỉ ở quy mô nhỏ. Các loại hình nuôi thủy sản nước ngọt gồm nuôi cá trong ao đất ổn định không có dịch bệnh xảy ra.
Nuôi cá tầm trên hồ thủy điện Đa Mi Ảnh: Đ.Hòa
Năm 2013, tổng diện tích mặt nước nuôi hơn 1.541 ha, diện tích thả mới là 1.359 ha. Các hộ nuôi đa số thu hoạch diện tích đã thả năm 2012 chuyển sang, sản lượng ước đạt 3.000 tấn. Tuy nhiên, mô hình nuôi cá nước ngọt trong ao đất thời gian gần đây có xu hướng chững lại, nguyên nhân do thị trường tiêu thụ bấp bênh, đối tượng nuôi chưa có sức cạnh tranh cao, một số khu vực nuôi chưa chủ động được nguồn nước. Nuôi cá lồng bè chủ yếu ở Đức Linh, Tánh Linh, đối tượng nuôi chủ yếu là cá bống tượng. Tại Đức Linh, hiện đang nuôi 170/180 lồng trên sông La Ngà, hồ Biển Lạc – xã Gia An, Tánh Linh hiện đang nuôi 10/30 lồng. Tuy nhiên, nguồn nước vùng nuôi bị ô nhiễm từ việc khai thác cát trên sông, nguồn nước thải các cơ sở chế biến mủ cao su, chế biến nông sản tại hồ Biển Lạc là những vấn đề gây khó khăn cho các hộ nuôi. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh có 1 doanh nghiệp nuôi cá tầm trên hồ thủy điện Đa Mi thuộc Công ty Tầm Long – Đa Mi đang nuôi 254 lồng (86 lồng tròn,168 lồng vuông) với diện tích 50m2, tổng sản lượng cá đang nuôi tại hồ 190 tấn. Sản lượng năm 2013 đạt 150 tấn cá thương phẩm và 150 kg trứng. Số cá thương phẩm được tiêu thụ trong nước như: Phan Thiết, TP. Hồ Chí Minh, Vũng Tàu… còn trứng cá xuất khẩu sang Nhật, Pháp và một phần tiêu thụ tại Tp. Hồ Chí Minh. Nuôi cá tầm trong những năm qua tương đối ổn định do điều kiện môi trường thích hợp cho cá sinh trưởng tốt, ít dịch bệnh. Tuy nhiên, hiện nay việc tiêu thụ cá đang gặp khó khăn về giá bán do có sự cạnh tranh từ cá tầm nhập khẩu từ Trung Quốc. Vì vậy, tình hình phát triển, mở rộng thêm diện tích nuôi trong thời gian tới có khả năng chậm lại.
Theo đánh giá của ngành nông nghiệp, nuôi cá nước ngọt trên địa bàn tỉnh chủ yếu là đối tượng nuôi truyền thống chưa phát triển các đối tượng có giá trị kinh tế cao, đặc biệt là các đối tượng phục vụ chế biến, xuất khẩu. Mặt khác đa số các ao nuôi nhỏ lẻ, phân tán, chưa có vùng nuôi tập trung để tạo nguồn nguyên liệu đáp ứng nhu cầu chế biến xuất khẩu. Diện tích nuôi thâm canh còn ít, sản lượng chưa cao, chưa tạo được sự chủ động trong sản xuất và tiêu thụ. Số liệu thống kê cho biết, sản lượng nuôi nước ngọt từ năm 2010 – 2012 bình quân chỉ đạt 4.000 tấn/năm. Trong khi đó, quy hoạch nuôi trồng thủy sản nước ngọt tập trung của tỉnh giai đoạn 2011 – 2020 định hướng mục tiêu đến năm 2015 là 7.600 tấn/năm là một thách thức đối với ngành thủy sản nước ngọt. Do vậy, ngành thủy sản cần đẩy mạnh các giải pháp khôi phục nuôi thủy sản nước ngọt đảm bảo sự phát triển theo đúng quy hoạch đặt ra.