(TSVN) – Hiện cả nước còn khoảng 15.198 tàu cá “3 không” (không đăng ký, không đăng kiểm, không cấp phép). Tình trạng tàu cá vi phạm quy định ngắt kết nối VMS tiếp tục xảy ra phổ biến, diễn biến phức tạp.
Trước tình trạng trên, UBND tỉnh Bình Thuận đang tập trung triển khai hoàn thành công tác đăng ký, đăng ký tạm thời đối với các tàu cá “3 không” trên địa bàn tỉnh, theo đó, giao Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp với Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố vùng biển xây dựng, ban hành kế hoạch tổ chức triển khai hoàn thành việc thống kê toàn bộ tàu cá từ 6 mét trở lên chưa đăng ký đến địa bàn cấp xã, thôn.
Bình Thuận quyết tâm vào cuộc đồng bộ, quyết liệt trong việc thực hiện đăng ký, đăng ký tạm thời đối với tàu cá “3 không”. Ảnh: CTV
Đồng thời, tập trung nguồn lực (phân công, bố trí lực lượng; phân chia theo tổ, theo địa bàn) nhằm triển khai công tác đăng ký, đăng ký tạm thời đối với các tàu cá “3 không” đang hoạt động để theo dõi, quản lý trước khi Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 23/2018/TT-BNNPTNT ngày 15/11/2018 của Bộ NN&PTNT có hiệu lực thi hành. Thời gian yêu cầu hoàn thành trước ngày 15/3/2024.
Với mục đích thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Trung ương về nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách chống khai thác IUU, khắc phục khuyến nghị của EC trong công tác quản lý đội tàu cá, nhằm gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của EC. Bên cạnh đó, nhằm tổng kiểm tra, đánh giá đúng tình trạng kỹ thuật tàu cá phát sinh, tồn đọng chưa đăng ký chuẩn bị cho bước đăng ký chính thức theo quy định pháp luật sau khi thông tư mới có hiệu lực thi hành. Việc này còn đảm bảo an toàn cho người và tàu cá hoạt động trên biển.
Do đó, yêu cầu tất cả tàu cá phát sinh, tồn đọng chưa đăng ký (tàu cá “3 không”) đang hoạt động trên địa bàn tỉnh phải được kiểm tra, đánh giá hiện trạng và tiến hành đăng ký, đăng ký tạm thời để theo dõi, quản lý. Các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương, nhất là chính quyền cấp xã vào cuộc đồng bộ, quyết liệt trong việc thực hiện đăng ký, đăng ký tạm thời đối với tàu cá “3 không”. Tăng cường kiểm soát, ngăn chặn, không để phát sinh tàu cá “3 không” trên địa bàn quản lý. Người đang quản lý, sử dụng tàu cá “3 không” phải nghiêm túc chấp hành quy định pháp luật, thực hiện các yêu cầu của cơ quan Nhà nước, của lực lượng chức năng trong việc đăng ký, đăng ký tạm thời.
Chi cục Thủy sản là cơ quan đầu mối, chịu trách nhiệm chính, tổ chức các Tổ nghiệp vụ phối hợp với các lực lượng của địa phương để triển khai đồng thời trên các địa bàn, đảm bảo hoàn thành việc cấp đăng ký, đăng ký tạm thời tàu cá đối với tàu cá “3 không” trước ngày 15/3/2024 theo chỉ đạo của UBND tỉnh.
Vừa qua, Bình Thuận đã ra quyết định xử phạt bà Trần Thị Thống, chủ tàu cá ở khu phố 8, phường Phước Hội, thị xã La Gi với mức phạt 900 triệu đồng vì đã có hành vi khai thác thủy sản tại vùng biển lãnh thổ khác mà không có giấy phép hoặc không có giấy chấp nhận. Bà Thống là chủ tàu cá BTh 97352 bị lực lượng chức năng Malaysia phát hiện và bắt giữ đang khai thác hải sản tại khu vực thuộc vùng biển của Malaysia ngày 7/1/2023. Đồng thời, xử phạt ông Trần Thanh Mười, ngụ khu phố 8, phường Phước Hội, thị xã La Gi số tiền 900 triệu đồng với hành vi vi phạm tương tự. Ông Mười là chủ tàu cá BTh 95204 TS đã thực hiện đánh bắt xâm phạm vùng biển Malaysia ngày 7/1/2023 và bị lực lượng chức năng nước này bắt giữ.
Bùi Định
Bình Thuận sẵn sàng đón Đoàn EC qua kiểm tra lần thứ 5. Các tỉnh hi vọng Bình Thuận tiếp Đoàn EC thành công…