Bình Thuận: Mô hình nuôi cá chim vây vàng ven biển

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Mới đây, Trung tâm Kỹ thuật và Dịch vụ nông nghiệp huyện Hàm Thuận Nam (Bình Thuận) đã triển khai hiệu quả mô hình nuôi cá chim vây vàng thương phẩm trong ao đất từ cải tạo một số hồ ao nước lợ ven biển nuôi tôm lâu năm thường bị ô nhiễm, dịch bệnh tại thôn Thanh Phong, xã Tân Thuận.

Theo Trung tâm, khu vực này có một số thuận tiện ban đầu như chất đất ao sét pha cát, bờ ao giữ nước tốt, nguồn nước cung cấp cho ao quanh năm; các yếu tố môi trường cũng phù hợp: nhiệt độ 26 – 32oC, độ mặn 15 – 25 ppt, ô xy hòa tan, độ pH nước… Ở đó, Trung tâm sử dụng ao nuôi diện tích 3.800 m2, tháo cạn nước, cày xới lớp đất mặt đáy ao, bón vôi bột tỷ lệ 1.500 kg/ha, phơi đáy 1- 2 tuần; sau đó cấp nước vào ao qua mắt lưới 40 mắt/cm2 ngăn sinh vật tạp, cho mực nước sâu chừng 1,2 – 1,5 m. Tiếp đó, cá giống được thả 3.800 con theo mật độ 1 con/m2, kích cỡ đồng đều, khỏe mạnh, bơi lội nhanh nhẹn.

Thức ăn cho cá là thức ăn công nghiệp dạng viên nổi, độ đạm protein 38%, mỗi ngày cho cá ăn 2 lần vào buổi sáng và chiều mát; bón thêm vi sinh Bacillus subtilis 1 lần trong tháng để hạn chế sự ô nhiễm môi trường ao nuôi. Trong quá trình nuôi, trung tâm cũng tiến hành thay 20 – 30% lượng nước ao nuôi 1 lần/tháng; kiểm tra tốc độ sinh trưởng và bệnh cho cá để có biện pháp xử lý kịp thời, điều chỉnh thức ăn phù hợp. Tuy nhiên, cá chim vây vàng rất ít bệnh phát sinh trong quá trình sinh trưởng.

Ảnh minh họa

Sau 8 tháng nuôi chăm sóc hợp lý, tỷ lệ cá sống đạt 80%, trọng lượng cá đạt trung bình 700 g/con. Với giá bán trên thị trường 120.000 đồng/kg, mô hình đem về lợi nhuận gần 50 triệu đồng/vụ 8 tháng nuôi; tỷ lệ sinh lãi/chi phí đạt 28%. Ngay thời điểm dịch COVID-19, loại cá giàu chất dinh dưỡng này dao động mức giá 120.000 – 140.000 đồng/kg; còn xuất qua cửa khẩu giá sẽ từ 150.000 – 180.000 đồng/kg.

Mô hình nuôi cá chim vây vàng thương phẩm đem lại hiệu quả kinh tế khá cao, thành công của mô hình có ý nghĩa quan trọng trong việc thay đổi dần tập quán canh tác cũ, luân canh xen vụ với các đối tượng tôm, cua nhằm thay đổi môi trường nuôi, hạn chế dịch bệnh tiến tới nuôi bền vững, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người nông dân. Đồng thời, nuôi cá chim vây vàng trong ao đất là hướng mới thay thế cho con tôm ở vùng nuôi khó khăn vì lý do ô nhiễm nguồn nước, dịch bệnh, mở ra hướng đi mới nhằm cải thiện môi trường vùng nuôi tại huyện Hàm Thuận Nam. 

Ngành nông nghiệp huyện khuyến cáo người dân nên chuyển đổi dần những diện tích nuôi tôm thường xuyên bị thiệt hại do rủi ro dịch bệnh, gây ô nhiễm môi trường sang nuôi cá chim vây vàng cho hiệu quả kinh tế cao hơn.

Minh Hiếu

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!