(TSVN) – Thời gian gần đây, khai thác thủy sản mang tính tận diệt vẫn còn diễn ra ở Bình Thuận. Để ngăn chặn tình trạng này, UBND tỉnh Bình Thuận đã kịp thời triển khai các giải pháp quyết liệt.
Bình Thuận có bờ biển dài gần 200 km và là 1 trong 3 ngư trường lớn nhất cả nước. Nguồn lợi thủy sản ở Bình Thuận phong phú, đa dạng và giàu sản lượng với giá trị kinh tế cao, kể cả giá trị xuất khẩu, đặc biệt là các loại nhuyễn thể 2 mảnh vỏ như: điệp, dòm, bàn mai, sò lông… Phát triển kinh tế trong những năm qua của tỉnh chủ yếu gắn liền với khai thác thủy, hải sản. Theo Cục Thống kê Bình Thuận, sản lượng thủy sản khai thác trong tháng 11/2023 ước đạt 18.911,2 tấn, tăng 1,37% so cùng kỳ năm trước (trong đó khai thác biển ước đạt 18.848,2 tấn, tăng 1,37%). Lũy kế 11 tháng đầu năm 2023 sản lượng ước đạt 216.750,9 tấn, tăng 1,92% so cùng kỳ năm trước (trong đó khai thác biển ước đạt 216.201,6 tấn, tăng 1,94%).
Nguồn lợi thủy sản của Bình Thuận đang suy giảm rất nhanh. Ảnh: ST
Đi đôi với khai thác nguồn lợi thủy sản trên biển, thời gian qua, tỉnh Bình Thuận tập trung thực hiện quyết liệt các giải pháp phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Công tác tuần tra, kiểm tra bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên biển tiếp tục tăng cường, trong tháng 11/2023 không có tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài. Ngành chức năng đã thực hiện đăng kiểm cho 2.653 tàu cá có chiều dài từ 12 m trở lên, tàu cá còn hạn đăng kiểm là 558 chiếc, nâng tổng số tàu cá đăng kiểm tính đến nay là 3.211 chiếc/3.899 chiếc, đạt tỷ lệ 82,35%, bằng cùng kỳ năm trước. Tất cả tàu cá thực hiện đăng kiểm đều được đánh dấu theo đúng quy định. Tính đến ngày 5/11/2023 toàn tỉnh có 1.944/1.944 tàu cá có chiều dài từ 15 m trở lên đang hoạt động lắp đặt thiết bị giám sát VMS, đạt 100%. Số tàu cá từ 15 m trở lên chưa lắp đặt là 13 chiếc, gồm 12 chiếc ngừng hoạt động do hư hỏng nằm bờ chờ thi hành án, tranh chấp dân sự và 1 tàu đã bán ra ngoài tỉnh nhiều năm.
Hiện, nguồn lợi thủy sản biển tỉnh Bình Thuận đang bị cạn kiệt rất nhanh. Nguyên nhân là do nhiều ngư dân đã bất chấp sử dụng các phương pháp mang tính hủy diệt môi trường và nguồn lợi như: xung điện, chất nổ, chất độc, ánh sáng mạnh, mắt lưới nhỏ, cào xới nền đáy, ngư cụ không có tính chọn lọc cao (lưới kéo, rập xếp…). Nhận thức được mối nguy hại này, tỉnh Bình Thuận đã tập trung triển khai quyết liệt bằng nhiều giải pháp, hành động cụ thể. Nhiều văn bản quy phạm pháp luật mang tính đặc thù của địa phương nhằm ngăn chặn hoạt động khai thác hủy diệt đã được UBND tỉnh ban hành.
Đặc biệt, theo báo cáo của Sở NN&PTNT Bình Thuận, thời gian gần đây (cao điểm là từ giữa tháng 11 đến 8/12), nhiều tàu thuyền nghề lặn trong tỉnh đã đánh bắt sò lông non (kích cỡ từ 2 – 3 cm, trọng lượng từ 100 – 120 con/kg) tập kết tại các khu vực bãi ngang, kè, cảng cá thuộc địa bàn huyện Tuy Phong, thành phố Phan Thiết với số lượng lớn để bán cho thương lái làm thức ăn cho tôm hùm. Tình trạng khai thác, tiêu thụ sò lông non đang diễn ra là hành vi điển hình về tận diệt nguồn lợi thủy sản, vì lợi ích trước mắt nhưng gây thiệt hại lớn về kinh tế.
Nhận thức được mối nguy hại này, ngày 8/12, UBND tỉnh Bình Thuận đã có công văn gửi các đơn vị liên quan khẩn trương, kịp thời ngăn chặn tình trạng khai thác sò lông non trên vùng biển tỉnh.
Theo đó, UBND tỉnh Bình Thuận yêu cầu Sở NN&PTNT chỉ đạo lực lượng kiểm ngư phối hợp lực lượng biên phòng thực hiện quyết liệt việc kiểm tra điều kiện hành nghề của tàu cá hoạt động nghề lặn; không cho phép xuất bến nếu không đảm bảo điều kiện hành nghề.
Sở NN&PTNT điều động tàu xuồng kiểm ngư kiểm tra thường xuyên các khu vực bãi sò lông để ngăn chặn kịp thời hành vi khai thác sò lông non, hủy diệt nguồn lợi thủy sản; chỉ đạo Ban Quản lý các cảng cá tỉnh không cho phép tàu thuyền lặn bắt sò lông non cập các cảng cá bốc dỡ, tiêu thụ, gây hình ảnh phản cảm.
Đặc biệt, UBND tỉnh yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố vùng biển chỉ đạo các lực lượng chức năng, Hội cộng đồng ngư dân tăng cường kiểm tra hoạt động khai thác, tập kết, tiêu thụ sò lông non tại các bến, bãi ngang trên địa bàn để tuyên truyền ngư dân không khai thác sò lông non, tận diệt nguồn lợi thủy sản, gây thiệt hại kinh tế và sinh kế lâu dài của ngư dân. Đồng thời chỉ đạo lực lượng công an phối hợp cơ quan chuyên ngành thủy sản nắm tình hình, làm việc các cơ sở thu mua sò lông non bán làm thức ăn cho tôm hùm để tuyên truyền và yêu cầu dừng ngay việc mua sò lông non, tận diệt nguồn lợi, gây thiệt hại kinh tế.
Nguyễn Hằng
Hiện, toàn tỉnh Bình Thuận có trên 7.500 tàu cá có chiều dài từ trên 6 m, hoạt động khai thác hải sản trên địa bàn tỉnh tập trung vào 9 nhóm nghề chính như: Lưới kéo, lưới rê, lưới vây, câu, pha xúc, lưới mành, lưới chụp, bẫy, lặn...