Thị trấn Phan Rí Cửa là một trong những địa phương có nghề cá phát triển nhất của huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận với nhiều loại hình khai thác như lưới rê, giã cào, vây rút chì.
Máy tời của mô hình
Trong đó, có 280 chiếc hoạt động đánh bắt bằng lưới rê và được trang bị tương đối đồng bộ. Tuy nhiên vẫn còn một bộ phận ngư dân còn thu lưới bằng sức lao động (kéo lưới bằng tay), đã ảnh hưởng rất nhiều đến thời gian đánh bắt, sức khỏe ngư dân và chất lượng của sản phẩm sau thu hoạch.
Với mục tiêu tiết kiệm sức lao động, giảm thời gian thu lưới, tăng thời gian đánh bắt, nâng cao hiệu quả kinh tế,.. cho bà con ngư dân bằng việc đưa cơ giới hóa vào ngành nghề khai thác hải sản là điều rất cần thiết, trong năm 2016, Trạm Khuyến ngư Tuy Phong đã triển khai mô hình “Máy tời thủy lực” trên tàu khai thác bằng nghề lưới rê của ông Trần Mông, tại khu phố Song Thanh 1, thị trấn Phan Rí Cửa.
Để thực hiện, cán bộ của Trạm Khuyến ngư đã vào Vũng Tàu để kiểm tra chất lượng của máy, sau đó nhận máy về lắp đặt trên tàu thực hiện mô hình. Giá trị một máy tời thủy lực là 20 triệu đồng, chủ mô hình được Nhà nước hỗ trợ không thu hồi 50% giá trị của máy. Ngoài ra, chủ mô hình còn phải chịu thêm chi phí công thợ lắp đặt máy, mua nhớt đổ vào máy.
Theo ông Trần Mông – chủ tàu thực hiện mô hình, cho biết: Từ khi có trang bị máy tời thủy lực, tốc độ thu lưới tăng hơn so với kéo lưới bằng tay, do đó tàu đánh bắt được nhiều mẻ lưới hơn, sản lượng đánh bắt cũng tăng lên. Ông tính toán, khi chưa sử dụng máy thì 6 ngư dân phải thay ca kéo liên tục trong 6 giờ đồng hồ thì mới xong và 1 ngày chỉ đánh có 1 mẻ lưới. Nhưng khi có máy, với dàn lưới có chiều dài 3,5 hải lý thì khoảng 1,5 – 2 giờ là đã kéo xong lưới, một ngày đánh bắt từ 2 – 3 mẻ lưới.
Ngoài hiệu quả kinh tế đem lại, máy còn có ưu điểm là hệ thống thủy lực làm việc êm, không gây tiếng ồn; máy có kết cấu gọn, tháo lắp dễ dàng, dễ sử dụng, phù hợp cho các loại tàu cá khai thác bằng nghề lưới rê, ngay cả với những tàu đánh cá có diện tích chật hẹp. Việc áp dụng máy tời thủy lực không chỉ thay đổi thói quen đánh bắt, khai thác hải sản bằng phương pháp thủ công của bà con ngư dân, mà còn góp phần tăng năng suất, giá trị của các loại hải sản.