(TSVN) – Hàng loạt tàu cá neo bờ của các tỉnh, thành ven biển nói chung và tại Bình Thuận nói riêng là thực tế đáng lo ngại từ khi giá xăng dầu tăng cao. Dù ngư dân đã tìm cách để tiết giảm nhưng giá dầu tăng đã đội chi phí chuyến biển lên 30 – 40%.
Ông Bùi Văn Miên, ngụ phường Phú Hài, TP Phan Thiết cho biết, ông cùng các bạn thuyền vừa kết thúc chuyến biển hơn 10 ngày, riêng tiền dầu đã hết gần 100 triệu đồng (gần 5.000 lít) trong khi doanh thu chỉ được hơn 250 triệu đồng, sau khi trừ chi phía, các bạn thuyền được hơn 2,5 triệu đồng/người. Đây là mức rất thấp so với hồi trước khi giá xăng dầu tăng. Giá dầu tăng nhưng sản lượng đánh bắt ngày một ít dần và giá hải sản không tăng nên việc tìm lao động đi biển rất khó, chủ tàu dễ thua lỗ; giá xăng không hạ, chắc chắn không ai dám ra khơi, ông Miên tâm sự.
Chi phí xăng dầu luôn chiếm một phần không nhỏ phí tổn đi biển của ngư dân. Ảnh: Vũ Mưa
Trước tình trạng giá xăng dầu ngày một “lập đỉnh” mới, các ngư dân đã phải tìm cách xoay xở, ứng phó để có thể tiếp tụ vươn khơi, bám biển. Như chia sẻ của ông Nguyễn Thái Quang tại khu phố 5, phường Phước Hội, thị xã La Gi, với 2 tàu đánh bắt xa bờ có tổng công suất trên 750 CV; ông đã phải tính toán khai thác hải sản sao cho vừa hiệu quả, vừa tiết kiệm chi phí khi giá xăng dầu tăng cao như hiện nay. Theo đó, ông Quang đã kéo dài thời gian đánh bắt dài ngày hơn khi linh động trong việc thu mua hải sản ngay trên biển. Như vậy, vừa tiết kiệm được nhiên liệu khi không phải ra vào cập cảng để chở hải sản về tiêu thụ, vừa tăng năng suất cho mỗi chuyến vươn khơi. Bên cạnh đó, ông còn được hỗ trợ tiền nhiên liệu theo chính sách hỗ trợ ngư dân khai thác vùng biển xa của Chính phủ (Quyết định 48) để phát triển nghề đánh bắt xa bờ, sửa chữa thuyền máy, nâng công suất lớn tăng sản lượng khai thác thủy sản, nâng cao hiệu quả kinh tế.
Ông Huỳnh Quang Huy, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bình Thuận cho biết, địa phương có khoảng 2.000 tàu đánh bắt xa bờ (tàu trên 15 m). Sau khi giá xăng dầu liên tục đạt đỉnh, hiện có khoảng 50% tàu nằm bờ, ngư dân bỏ biển rất nhiều. Việc bình ổn giá xăng dầu thì đang đợi chính sách chung của Trung ương. Còn về phía địa phương vẫn khuyến khích ngư dân bám biển, tổ chức theo tổ đội, chuỗi cung ứng để tăng hiệu quả khai thác; trong các chuyến đi, cần nắm thông tin ngư trường để đi biển cho hiệu quả.
Diệu An